Tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày 30/6 đã tăng mạnh vượt mức 100%, lần đầu tiên kể từ quý 2/2022.
Theo thống kê, tính đến cuối quý 2/2025, dư nợ cho vay tại các công ty chứng khoán ước tính vào khoảng 300.000 tỷ đồng (~11,5 tỷ USD), tăng 20.000 tỷ so với cuối quý 1 và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Trong đó, dư nợ margin ước tính khoảng 292.000 tỷ đồng, tăng 19.000 tỷ so với cuối quý 1 và cũng là con số cao nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Tại cùng thời điểm cuối quý 2/2025, tổng vốn chủ sở hữu nhóm CTCK vào khoảng 287.000 tỷ đồng, tăng 12.000 tỷ so với cuối quý 1. Tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày 30/6 theo đó tăng mạnh vượt 100%, cao nhất trong vòng 13 quý, kể từ quý 2/2022. Dù vậy, con số này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn VN-Index trên đỉnh 1.500 điểm hồi cuối 2021 đến đầu 2022 (trên 120%).
Theo quy định, CTCK không được cho vay ký quỹ vượt quá 2 lần vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Với tỷ lệ Margin/VCSH tại ngày cuối năm 2024, các công ty chứng khoán ước tính còn khoảng 282.000 tỷ đồng có thể cho nhà đầu tư vay ký quỹ trong thời gian tới.
Cần lưu ý rằng, con số này chỉ là tính toán trên lý thuyết và thực tế chưa bao giờ tỷ lệ Margin/VCSH toàn thị trường chạm đến ngưỡng 2 lần ngay cả trong giai đoạn giao dịch bùng nổ nhất.
Bên cạnh đó, một số CTCK còn rơi vào tình trạng còn room nhưng hết nguồn do phân bổ vào các kênh khác như trái phiếu, giấy tờ có giá,… Hơn nữa, nhà đầu tư có thể vay thêm margin bao nhiêu còn phụ thuộc vào tài sản đảm bảo (bao gồm tiền và cổ phiếu) tương ứng.
Nếu xét trên từng CTCK, có thể thấy sự phân hoá rõ rệt. Các CTCK dẫn đầu về VCSH như SSI, TCBS, VNDirect, VPBankS,… đều còn khá nhiều room cho vay. Ngược lại, tỷ lệ Margin/VCSH tại một số CTCK như HSC, Mirae Asset, MBS, KIS VN hay KAFI đang gần ngưỡng tối đa, chủ yếu do tốc độ tăng vốn và lợi nhuận giữ lại chưa theo kịp với nhu cầu margin của khách hàng.
Trong bối cảnh nhà đầu tư tổ chức nước ngoài cũng đã được cho phép giao dịch không cần ký quỹ 100% (Non Pre-funding), năng lực về vốn của các CTCK ngày càng trở nên cấp thiết, đặc biệt với những cái tên gần hết room. Ngay cả những CTCK top đầu về vốn cũng không thể đứng ngoài cuộc đua bởi mức độ cạnh tranh của ngành đang ngày càng gay gắt.
Với triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng, các CTCK sẽ phải tiếp tục củng cố năng lực vốn để bắt kịp với tốc độ phát triển của thị trường, thu hút nhà đầu tư, tránh bị tụt hậu. Ngoài ra, lĩnh vực tài sản số cũng dần đi vào khuôn khổ tại Việt Nam, cũng sẽ là một trong những sân chơi hấp dẫn mà các CTCK chắc chắn không thể bỏ qua, bên cạnh TTCK.