Lạm phát phi mã khiến giá cả hàng hóa tăng chóng mặt, đồng tiền mất giá nghiêm trọng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử tại Đức, Zimbabwe và Venezuela. Nguyên nhân, hậu quả và giải pháp cho tình trạng này là gì? Mời bạn cùng VNSC tìm hiểu chi tiết về lạm phát phi mã dưới đây.
Lạm phát phi mã là gì?
Lạm phát phi mã (hyperinflation) là tình trạng lạm phát cao, giá cả tăng với tốc độ chóng mặt, có thể từ trên 10% đến 1000% mỗi năm, thực tế thường dao động ở mức 20% – 200%. Điều này đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế của quốc gia khi đồng tiền mất giá mạnh, hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh không kiểm soát.
Chẳng hạn, Năm 2008, Zimbabwe trải qua một trong những đợt lạm phát phi mã nghiêm trọng nhất trong lịch sử hiện đại. Tỷ lệ lạm phát hàng năm ước tính đạt 89,7 sextillion phần trăm (tức là 89,7 × 10²¹%) vào tháng 11 năm 2008. Giá cả tăng gấp đôi chỉ sau mỗi 24,7 giờ, khiến đồng tiền mất hoàn toàn giá trị. Người dân phải mang theo những tờ tiền mệnh giá hàng trăm tỷ đô la Zimbabwe để mua những mặt hàng cơ bản như bánh mì hoặc xăng dầu.
Để nhận biết lạm phát phi mã, bạn có thể dựa vào một số đặc điểm sau:
- Tăng giá chóng mặt: Giá hàng hóa và dịch vụ tăng liên tục, có thể gấp đôi chỉ sau vài ngày hoặc vài tuần.
- Đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng: Đồng tiền mất gần như toàn bộ giá trị, người dân cần rất nhiều tiền mới mua được nhu yếu phẩm.
- In tiền ồ ạt: In thêm tiền được Chính phủ áp dụng để bù thâm hụt nhưng khiến tình trạng lạm phát nghiêm trọng hơn.
- Người dân mất niềm tin vào nội tệ: Người dân chuyển sang dùng ngoại tệ hoặc hàng hóa làm phương tiện trao đổi thay cho đồng nội tệ.
- Bất ổn kinh tế – xã hội: Mức sống giảm mạnh, doanh nghiệp phá sản, thất nghiệp gia tăng, dễ dẫn đến biểu tình và bất ổn chính trị.
Nguyên nhân dẫn đến lạm phát phi mã
Lạm phát phi mã không xảy ra ngẫu nhiên mà thường là kết quả của việc thực hiện chính sách kinh tế không hiệu quả hoặc do tác động của tình hình kinh tế, xã hội bất ổn khác. Cụ thể như sau:
In tiền quá mức
Chính phủ lựa chọn in thêm quá nhiều tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách khiến cung tiền trong nền kinh tế tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, sản lượng hàng hóa không tăng kịp lượng cung tiền khiến chênh lệch cung – cầu xuất hiện. Khi đó, giá cả hàng hóa tăng vọt mà không được kiểm soát kịp thời gây ra lạm phát phi mã.
Mất niềm tin vào chính phủ
Do chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế yếu kém, không kiểm soát tình trạng tham nhũng cùng với chính trị bất ổn có thể khiến nhà đầu tư và người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ. Mọi người chuyển sang sử dụng đồng ngoại tệ hoặc các tài sản khác khiến cung nội tệ tăng, đồng nội tệ mất giá nghiêm trọng, dẫn tới lạm phát phi mã.
Sốc cung hoặc cầu
Sốc cung là tình trạng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ trên thị trường tăng hoặc giảm đột ngột, thường do chiến tranh, thiên tai hay khủng hoảng năng lượng. Sốc cầu là tình trạng nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ giảm đột ngột do thay đổi chính sách tài khóa hoặc do thu nhập của người dân giảm. Cả hai hiện tượng này đều có thể khiến giá cả hàng hóa tăng cao, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát.
Nợ công không kiểm soát
Khi chính phủ vay nợ quá mức và không có khả năng trả nợ, họ có thể sử dụng các biện pháp như in tiền hoặc phá giá đồng tiền. Nếu việc xảy ra thường xuyên và quá mức sẽ là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát phi mã.
Hậu quả của lạm phát phi mã
Lạm phát phi mã để lại những tác động nghiêm trọng đối với mọi khía cạnh của kinh tế và đời sống xã hội. Cụ thể như sau:
Suy giảm sức mua
Khi giá cả hàng hóa tăng cao, người dân sẽ cắt giảm chi tiêu, chỉ tập trung vào những nhóm hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu. Nếu tình trạng giá cả trầm trọng hơn, những nhu cầu thiết yếu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt với nhóm người có thu nhập thấp. Khi đó, sức mua của thị trường suy giảm trầm trọng, doanh thu ngành sản xuất và dịch vụ sụt giảm, có thể dẫn tới suy thoái kinh tế.
Phá hủy hệ thống tài chính
Khi giá trị đồng tiền giảm mạnh, người dân không mặn mà với việc gửi tiết kiệm lấy lãi sẽ ồ ạt rút tiền. Các ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu này sẽ mất thanh khoản và phá sản. Nhiều ngân hàng gặp phải tình trạng này sẽ khiến hệ thống tài chính sụp đổ.
Tăng bất bình đẳng xã hội
Lạm phát phi mã khiến khoảng cách giàu nghèo trầm trọng hơn. Những người sở hữu nhiều tài sản, đặc biệt là những tài sản thực như vàng hay bất động sản có thể bảo toàn giá trị tài sản của mình. Những người có thu nhập thấp bị cuốn vào vòng xoáy lạm phát, thu nhập không đủ chi tiêu, tài sản ngày càng cạn kiệt.
Khủng hoảng kinh tế và xã hội
Cầu giảm khiến sản xuất bị đình trệ, các công ty cắt giảm nhân sự dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Lúc này gánh nặng trợ cấp xã hội như trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm xã hội… sẽ đè nặng lên chính phủ, trong khi đó thu thuế giảm. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới bạo loạn hoặc sự sụp đổ của chính phủ.
Giải pháp kiểm soát lạm phát phi mã
Để ngăn chặn và kiểm soát lạm phát phi mã, cần có các biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ chính phủ, ngân hàng trung ương và các tổ chức quốc tế. Dưới đây là một số giải pháp hiệu quả được nhiều quốc gia áp dụng:
Cải cách tiền tệ
Cải cách tiền tệ là biện pháp mà chính phủ áp dụng để chấm dứt lạm phát phi mã bằng cách thay thế đồng tiền cũ đã mất giá trị bằng một đồng tiền mới. Đồng thời, nhà nước phải ngừng in tiền vô tội vạ, kiểm soát chặt chi tiêu ngân sách và giữ ổn định tỷ giá bằng cách neo đồng tiền vào một loại tiền mạnh như USD.
Mục đích việc làm này là khôi phục niềm tin của người dân vào đồng tiền nội tệ và đưa hệ thống tài chính trở lại hoạt động bình thường. Nếu làm đúng và quyết liệt, cải cách tiền tệ có thể chặn đứng lạm phát phi mã và ổn định lại nền kinh tế.
Một ví dụ điển hình là Zimbabwe trong giai đoạn 2006–2009. Do đồng tiền mất giá nghiêm trọng, chính phủ nước này đã ba lần đổi tiền, tổng cộng cắt bỏ 25 số 0 khỏi đồng đô la Zimbabwe. Dù vậy, tình hình vẫn không được cải thiện và Zimbabwe buộc phải từ bỏ hoàn toàn đồng nội tệ vào năm 2009, chuyển sang sử dụng USD và các ngoại tệ khác.
Kiểm soát cung tiền
Biện pháp này được sử dụng khi chính phủ đã in thêm quá nhiều tiền trước đó để bù đắp thâm hụt ngân sách. Để kiểm soát lạm phát, nhà nước buộc phải hạn chế in tiền mới, tăng lãi suất để hút tiền về và ngừng tài trợ thâm hụt bằng việc phát hành tiền. Tuy nhiên, quá trình này cần được phối hợp chặt chẽ với các chính sách tài khóa và cải cách cấu trúc kinh tế, nếu không sẽ dễ dẫn đến suy thoái và phản ứng tiêu cực từ xã hội.
Lạm phát tại Bolivia năm 1985 lên tới 24.000% do chính phủ in thêm quá nhiều tiền. Trước tình hình này, chính phủ đã thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kinh tế nằm kiểm soát cung tiền như ngừng in thêm tiền, tăng lãi suất để hút tiền, Song song với đó là các biện pháp tài khóa nghiêm ngặt và cải cách cấu trúc nền kinh tế. Nhờ vậy mà tình trạng lạm phát được kiểm soát.
Cắt giảm chi tiêu công
Khi chính phủ cắt giảm chi tiêu công, tổng cầu của nền kinh tế sẽ giảm, giá cả giả và phần nào giúp hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, cắt giảm chi tiêu công có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, nhất là trong giai đoạn phục hồi hoặc suy thoái.
Nếu chính phủ cắt giảm mạnh tay, nhiều dự án hạ tầng, an sinh xã hội sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Do đó, biện pháp này cần được áp dụng linh hoạt và có chọn lọc. Chính phủ nên ưu tiên cắt giảm các khoản chi không thiết yếu thay vì đồng loạt thắt chặt mọi lĩnh vực.
Tăng cường sản xuất và cung ứng
Nguồn cung giảm là nguyên nhân khiến giá cả tăng cao, việc đầu tư vào sản xuất, cải thiện nguồn cung ứng là biện pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát. Khi sản lượng hàng hóa và dịch vụ tăng, nguồn cung được cải thiện giúp giảm áp lực tăng giá. Điều này giúp cân bằng cán cân cung cầu trên thị trường. Nhờ đó, giá cả và sức mua của đồng tiền được ổn định.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh sản xuất còn tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động. Khi thu nhập tăng, nhu cầu tiêu dùng có thể tăng theo cách bền vững, không gây “sốt” giá đột ngột. Đồng thời, chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả sẽ giảm chi phí trung gian. Điều này tiếp tục góp phần hạ giá thành và kiểm soát lạm phát dài hạn.
Hỗ trợ từ quốc tế
Các tổ chức tài chính quốc tế như IMF hoặc Ngân hàng Thế giới có thể cung cấp gói vay ưu đãi nhằm ổn định cán cân thanh toán. Nguồn vốn này giúp tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực tỷ giá, từ đó góp phần kiềm chế giá cả trong nước. Sự hỗ trợ còn mang lại niềm tin cho nhà đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu.
Ngoài tài chính, hỗ trợ kỹ thuật từ quốc tế cũng giúp cải thiện năng lực điều hành chính sách tiền tệ. Các chuyên gia có thể tư vấn về xây dựng chính sách kiểm soát giá cả, điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế. Đồng thời, hợp tác quốc tế còn thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu suất sản xuất và giảm chi phí đầu vào. Nhờ đó, nền kinh tế có thêm công cụ dài hạn để kiềm chế lạm phát một cách bền vững.
Ví dụ thực tế về lạm phát phi mã
Trong quá khứ, nhiều quốc gia đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát phi mã nghiêm trọng, lên tới hàng chục nghìn phần trăm. Trong đó, có quốc gia đã kiểm soát được và ngày càng phát triển, có quốc gia vẫn phải gánh chịu hậu quả cho tới ngày nay.
Đức (1921 – 1923)
Sau Thế chiến I, Đức phải bồi thường chiến tranh khổng lồ và đối mặt với khủng hoảng kinh tế. Chính phủ in tiền không kiểm soát để trả nợ, dẫn đến lạm phát phi mã. Đến năm 1923, giá cả tăng gấp hàng triệu lần; một ổ bánh mì có giá hàng tỷ mác Đức. Người dân dùng tiền làm giấy lò sưởi vì giá trị tiền tệ gần như bằng không.
Zimbabwe (2007 – 2009)
Zimbabwe rơi vào lạm phát phi mã do quản lý kinh tế yếu kém và cải cách ruộng đất thất bại. Ngân hàng trung ương in tiền liên tục, khiến tỷ lệ lạm phát đạt 79,6 tỷ phần trăm mỗi tháng vào năm 2008. Giá cả tăng hàng giờ và đồng đô la Zimbabwe trở thành vô giá trị, buộc người dân sử dụng ngoại tệ.
Venezuela (2016 – nay)
Khủng hoảng kinh tế ở Venezuela bắt nguồn từ giá dầu giảm và chính sách quản lý yếu kém, dẫn đến lạm phát phi mã. Đến năm 2018, tỷ lệ lạm phát đạt hơn 1.000.000%. Người dân phải mang hàng bao tải tiền để mua thực phẩm và nhiều người bỏ đồng bolivar để dùng USD hoặc hàng đổi hàng.
Việt Nam (những năm 1980)
Việt Nam từng trải qua giai đoạn lạm phát cao vào cuối những năm 1980, với tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh hơn 700% vào năm 1986. Nhờ các chính sách cải cách kinh tế (Đổi mới), kiểm soát cung tiền và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã vượt qua khủng hoảng và ổn định kinh tế. Bài học này cho thấy tầm quan trọng của quản lý kinh tế vĩ mô và sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa và tiền tệ.
Xem thêm: Tỷ lệ lạm phát ở Việt Nam qua các năm như thế nào?
Trên đây là những thông tin cơ bản về định nghĩa, nguyên nhân, hậu quả và một số biện pháp kiểm soát lạm phát phi mã. Đây thực sự là tình trạng kinh tế nghiêm trọng, chính phủ các quốc gia cần chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ngăn chặn và xử lý phù hợp và kịp thời, tránh để trình trạng trầm trọng hơn, có thể dẫn tới sụp đổ nền kinh tế quốc gia.