"Khi những nỗi lo về thuế quan tạm thời lắng xuống, thị trường quốc tế phục hồi và khối ngoại mua ròng quy mô lớn, tôi đánh giá cao kịch bản chỉ số sẽ tiếp tục đi lên trong ngắn hạn", vị chuyên gia nêu rõ.
Tại Talk show Phố Tài chính (The Finance Street) trên VTV8, các chuyên gia cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam với những ưu thế riêng cùng dòng tiền nội mạnh mẽ sẽ giúp thị trường tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
BTV Mùi Khánh Ly: Fed đã chính thức thông báo giữ nguyên lãi suất thay vì sẽ giảm như dự báo trước đó, ông đánh giá như thế nào về điều này?
Ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh 2 Hội sở, Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (MAS): Theo tôi, việc Fed giữ quan điểm thận trọng là rất phù hợp lúc này. Lạm phát Mỹ tuy có xu hướng hạ nhiệt đáng kể so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức cao dai dẳng. Con số CPI tổng thể và cốt lõi tháng 4 Mỹ vừa công bố lần lượt tăng 2,3% và 2,8% so với cùng kỳ.
Cú sốc về thuế quan đang chi phối đến quyết định thận trọng của Fed, trước nỗi lo giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ tăng khi các nhà bán lẻ tăng giá bán để duy trì biên lợi nhuận. Xác suất kinh tế Mỹ suy thoái được các tổ chức uy tín đánh giá đã giảm đi sau khi Mỹ – Trung đạt thỏa thuận giảm thuế, nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối vững chắc. Như vậy, việc Fed giữ nguyên lãi suất là phù hợp với bối cảnh vĩ mô của Mỹ.
Việc lãi suất của Mỹ vẫn ở mức cao sẽ làm ảnh hưởng như thế nào dòng tiền toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thuế quan, căng thẳng địa chính trị trên thế giới cũng đang là mối quan ngại?
Ông Trần Quốc Toàn: Bất chấp sự kết hợp của rủi ro từ thuế quan, chính sách tài khóa kích thích phía trước và lạm phát dai dẳng, tôi dự báo, Fed sẽ vẫn tiếp tục chu kỳ cắt giảm vào giữa cuối năm. Kỳ vọng lộ trình cắt giảm lãi suất của Mỹ kết hợp với đồng USD suy yếu (cụ thể chỉ số DXY đã giảm hơn 7% kể từ đầu năm) đang tạo ra sự đảo chiều dòng vốn trong tháng 4.
Dòng chảy vốn đầu tư toàn cầu đang có sự dịch chuyển, cụ thể tôi theo dõi sau những căng thẳng thuế quan, dòng vốn có xu hướng vào ròng mạnh thị trường châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc. Nhưng còn quá sớm để cho rằng xu hướng này sẽ kéo dài, nhưng khi lãi suất giảm ở Mỹ, các đồng tiền các nước mới nổi thể hiện sức mạnh tốt hơn so với đồng bạc xanh, dòng vốn đầu tư kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ với thị trường mới nổi.
Còn tại Việt Nam, dòng vốn ngoại sẽ như thế nào theo ông?
Ông Trần Quốc Toàn: Tính từ đầu năm đến ngày 13/5, nước ngoài duy trì đà bán ròng với quy mô lên gần 37.400 tỷ trên HOSE. Điểm sáng đã đến trong tháng 5, Việt Nam đã có dòng vốn ngoại vào ròng cùng xu thế với các thị trường mới nổi châu Á, với quy mô mua ròng gần 2.000 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại đã giải ngân mạnh nhóm ngành bán lẻ, bất động sản, tài nguyên cơ bản.
Xu hướng mua ròng kỳ vọng sẽ tiếp diễn khi diễn biến thuế quan đối ứng hạ nhiệt, Việt Nam có một thỏa thuận thương mại hợp lý hơn với Mỹ, nền kinh tế Việt Nam duy trì sự tăng trưởng trội hơn các quốc gia khác trong khu vực cũng như thị trường chứng khoán được nâng hạng với định giá hấp dẫn.
Có thể thấy các yếu tố thách thức chủ yếu đến từ bên ngoài. Trong nước, nhiều chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng và thị trường chứng khoán đang tiến gần đến nâng hạng. Trong bối cảnh đó, ông dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?
Ông Trần Quốc Toàn: Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng bởi xu hướng phân bổ dòng vốn thế giới, do đó những tác động từ bên ngoài như quyết định lãi suất của Fed và căng thẳng thuế quan sẽ tác động chính đến quyết định của dòng vốn ngoại hơn là những vấn đề nội tại trong nước trong ngắn hạn. Như đã nói ở trước, tháng 4 bắt đầu ghi nhận dòng vốn ngoại đã quay lại với nhiều thị trường châu Á. Kịch bản Fed tiếp tục lộ trình cắt lãi suất đang được tôi dự báo với xác suất cao.
Còn về dài hạn, triển vọng tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Ngoài ra, khi Việt Nam được tổ chức FTSE nâng hạng lên mới nổi (kỳ vọng trong tháng 9 này), dòng vốn giải ngân từ các quỹ chủ động lẫn ETF tham chiếu theo rổ chỉ số sẽ mua ròng cổ phiếu Việt Nam với quy mô lên tới hàng tỷ đô. Qua đó mang lại nhiều kỳ vọng vào sự khởi sắc của thị trường.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã có sự hồi phục rất đáng kể như “chưa có gì xảy ra” kể từ sự kiến công bố thuế đối ứng từ Mỹ, mức tăng đến hôm nay đã gần 20%, đóng góp rất lớn từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, mang tính dẫn dắt.
Khi những nỗi lo về thuế quan tạm thời lắng xuống, thị trường quốc tế phục hồi và khối ngoại mua ròng quy mô lớn, qua đó tôi đánh giá cao kịch bản chỉ số sẽ tiếp tục đi lên trong ngắn hạn.
Còn về trung hạn, điều quan tâm là kết quả đàm phán thương mại Việt Nam – Mỹ liệu có hay không việc giảm mức áp thuế đối ứng so với con số 49%. Chính sách điều hành lãi suất thấp, thúc đẩy chi tiêu chính phủ, phát triển kinh tế tư nhân và tăng trưởng tín dụng mục tiêu tới 16% vẫn sẽ là nền tảng cơ bản cho sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên những bất định về thuế quan vẫn cần được theo dõi kỹ lưỡng để phòng ngừa những tình huống khó lường.
Còn nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào trong bối cảnh này?
Ông Trần Quốc Toàn: Tôi dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp niêm yết năm nay đạt từ 12-15% so với cùng kỳ, nhờ đóng góp của nhóm ngành ngân hàng (tăng trưởng tín dụng cao) và bất động sản khi các chủ đầu tư lớn đẩy nhanh quá trình mở bán.
Các nhóm ngành tiềm năng dựa trên lợi nhuận cũng như định giá, theo tôi, thứ nhất là nhóm ngành ngân hàng với tăng trưởng tín dụng cao, chất lượng tài sản cho vay trong tầm kiểm soát, vùng định giá thấp hơn trung bình lịch sử. Nhóm thứ hai là nhóm tiêu dùng, bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi nhờ thị trường tiêu dùng nội địa, đặc biệt các công ty có chuỗi hệ thống bán lẻ hiện đại đã chứng minh được hiệu quả tài chính các quý gần đây. Nhóm tiếp theo là tài nguyên cơ bản, mà cụ thể là ngành thép, nhờ quá sự phục hồi của thị trường xây dựng dân dụng cũng như đầu tư hạ tầng, sự cải thiện biên lợi nhuận nhờ chi phí nguyên liệu giảm.
Ngoài sự phân hóa giữa các ngành, trong từng các công ty trong ngành cũng có sự phân hóa rõ nét. Những công ty lớn, có lợi thế cạnh tranh, vị thế tài chính mạnh mẽ và có chiến lược đúng đắn sẽ biến thách thức thành cơ hội để đạt được kết quả kinh doanh trội so với phần còn lại. Nhà đầu tư cần có sự chọn lọc để lựa chọn doanh nghiệp triển vọng.