Bước ngoặt quan trọng đến với thị trường chứng khoán diễn ra vào ngày 7/11/2006 khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau cột mốc này, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ doanh nghiệp lên sàn niêm yết vào tháng 11 và tháng 12/2006.
Tháng 7 năm 2025 đánh dấu một phần tư thế kỷ kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đi vào hoạt động.
Cụ thể, ngày 28/7/2000 thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức giao dịch với chỉ 2 cổ phiếu – SAM của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (giờ đổi tên thành CTCP SAM Holdings) và REE của CTCP Cơ điện lạnh. Cho đến hết năm 2000 thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chỉ có thêm 3 cổ phiếu khác giao dịch.
Năm 2005, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra đời, tiếp đó UPCoM được triển khai, mở rộng kênh giao dịch cho doanh nghiệp ngoài sàn HoSE.
Trong giai đoạn từ năm 2001 đến đầu năm 2006 này, thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều biến chuyển, có thêm nhiều doanh nghiệp lớn bắt đầu giao dịch như CTCP Gemadept – GMD (tháng 4/2002), CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh – VSH (tháng 7/2005), Tập đoàn KIDO – KDC (tháng 12/2005), Sacombank – STB (tháng 7/2006)…
Vĩnh Sơn Sông Hinh (VSH) vào năm 2005 chính là doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán với vốn hóa 16.000 tỷ. Doanh nghiệp thủy điện này lên sàn vào ngày 14/7/2005 với khối lượng cổ phiếu "khổng lồ" khi đó là 125 triệu đơn vị. Chốt phiên giao dịch cuối năm tại giá 48.500 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Đặc biệt là vào tháng 1/2006, cổ phiếu của Vinamilk – VNM lên sàn khiến giá trị vốn hóa của của HOSE tăng gấp đôi trong ngày, nhiều năm sau đó, Vinamilk vẫn luôn nằm trong nhóm có vốn hóa cao.
Bước ngoặt quan trọng đến với thị trường chứng khoán diễn ra vào ngày 7/11/2006 khi Việt Nam chính thức gia nhập tổ chức Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau cột mốc này, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ doanh nghiệp lên sàn niêm yết vào tháng 11 và tháng 12/2006 như ACB, SSI, PVD (PV Drilling)…
Trong đó, ngày 13/12/2006, FPT lên sàn với giá đóng cửa phiên đầu tiên lên tới 400.000 đồng/cp, trong hơn nửa tháng giao dịch, tới cuối năm 2006, FPT đã trở thành doanh nghiệp lớn nhất sàn với vốn hóa 28.000 tỷ đồng. Tại ngày 30/6, FPT là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 9 toàn thị trường với 175.000 tỷ đồng.
Vingroup lên sàn tháng 9/2007 và đã nhanh chóng trở thành một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường. Trong giai đoạn 6 năm liền, từ 2015-2022, Vinamilk và Vingroup đã thay nhau đứng vị trí số 1 về vốn hóa. Hiện nay, Vingroup đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường với hơn 365.000 tỷ đồng.
Năm 2009, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thêm loạt tổ chức tài chính lớn lên sàn như Vietcombank – VCB (tháng 6/2009), Tập đoàn Bảo Việt – BVH (tháng 6/2009), VietinBank – CTG (tháng 7/2009), Eximbank – EIB (tháng 10/2009)… Masan Group cũng lên sàn vào tháng 11/2009. Ngân hàng còn lại trong 3 trong số 4 Big 4 ngân hàng đã lên sàn là BIDV chính thức giao dịch vào tháng 1/2014 với mã cổ phiếu BID.
Các ngân hàng liên tục nắm giữ nhiều vị trí trong top 10 trong nhiều năm liền. Đặc biệt, Vietcombank đã nắm giữ vị trí top 1 vốn hóa kể từ năm 2021 đến bây giờ. Tại ngày 30/6/2025, giá trị vốn hóa của Vietcombank hơn 476.000 tỷ đồng.
Trong top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường tại ngày 30/6, ngoài top 2 của Vingroup, vị trí thứ 3 và thứ 10 thuộc về 2 doanh nghiệp khác thuộc họ Vin là Vinhomes (315.000 tỷ) và Vinpearl (gần 170.000 tỷ).
Vị trí 4,5,6 lần lượt thuộc về 3 ngân hàng là BIDV (255.000 tỷ), Techcombank (243.000 tỷ), và VietinBank (225.000 tỷ). Sau đó là Viettel Global ở vị trí thứ 7 và ACV ở vị trí thứ 8.
Tính đến hiện nay, có hơn 50 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD. Một số cái tên nổi bật trong đó có thể kể đến như Masan Group vốn hóa hơn 108.000 tỷ đồng, Eximbank vốn hóa 42.000 tỷ đồng, SSI vốn hóa hơn 48.000 tỷ đồng, Gelex với vốn hóa hiện tại hơn 33.000 tỷ đồng…
Ngọc Điệp-Thạch Linh