Giai đoạn 2020 – 2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, ngành dệt may lần đầu ghi nhận xuất khẩu giảm trên 10% sau 30 năm.
Ngày 4/7, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030 (Đại hội).
Theo các thông tin được công khai tại Đại hội, trong nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động mạnh, dù sản xuất phục hồi sau đại dịch nhưng ngành dệt may lần đầu ghi nhận xuất khẩu giảm trên 10% sau 30 năm.
Tuy nhiên, khi thị trường quốc tế dần hồi phục, xuất khẩu đạt 44 tỷ USD, mở rộng sang 104 thị trường, ngành dệt may Việt Nam vẫn đối diện nhiều thách thức như tiêu chuẩn môi trường khắt khe, xu hướng xanh – số hóa và cạnh tranh lao động giá rẻ từ các nước khác. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics và thiếu hụt nhân lực tiếp tục là rào cản lớn.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2025 diễn ra ngày 16/6 của Vinatex, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex cho biết trong 5 năm qua thì có 4 năm ngành dệt may đặt trong cái bối cảnh đầy biến động: 2 năm dịch bệnh, 2 năm căng thẳng địa chính trị. Năm 2025, ngành tiếp tục phải trải qua một năm thuế đối ứng.
Theo ông Trường, việc đóng cửa hoàn toàn các nhà máy khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, hay xung đột Nga – Ukraine làm cho đứt gãy chuỗi cung ứng, làm cho giá vận tải từ Việt Nam đi châu Âu, đi Mỹ tăng từ 5 đến 10 lần hay nhu cầu đột nhiên “về 0” là những vấn đề mà ngành dệt may các năm trước đây doanh nghiệp không hề gặp.
Nói thêm về các giai đoạn phát triển của ngành dệt may Việt Nam, ông Trường cho biết, giai đoạn 20 năm (1995 đến 2015), chiến lược của các doanh nghiệp dệt may khá đơn giản. Ngành dệt may Việt Nam vừa có lực lượng lao động dồi dào, thu nhập còn thấp, cộng thêm nhiều FTA. Do đó, con đường phát triển của dệt may vô cùng đơn giản: đầu tư thêm nhà máy, tuyển thêm công nhân. Chiến lược này giúp sản lượng tăng, doanh thu tăng, lợi nhuận tăng và doanh nghiệp to ra. Thu nhập của người lao động của Việt Nam lúc đó vẫn còn thấp chỉ khoảng 150 USD/tháng là một lợi thế lớn đối với ngành dệt may Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, theo ông Trường, tình hình biến đổi rất nhanh và khó lường. Giai đoạn 2017 – 2018 ngành sợi lỗ nặng, không ai dám làm. Sang năm 2020 – 2021 ngành sợi lại thắng lớn nhưng lúc đó các nhà máy mới chưa kịp hoàn thành thì đến năm 2022 thị trường đi xuống. Giai đoạn 2022 – 2023, thị trường thậm chí còn xấu hơn giai đoạn 2017 – 2018 bởi ngành may thừa năng lực sản xuất ở khắp mọi nơi và không ai dám đầu tư mới. Thế nhưng đến năm 2024 xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Hướng đến mô hình “một điểm đến cung ứng trọn gói”
Theo thông tin tại Đại hội vừa diễn ra của Vinatex, trong giai đoạn 2025-2030, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu triển theo chiều sâu, nâng cao năng suất sáng tạo, ứng dụng công nghệ, giảm phụ thuộc lao động phổ thông. Tập đoàn Dệt May Việt Nam định hướng phát triển bền vững, giữ vai trò hạt nhân ngành dệt may, hướng đến mô hình "một điểm đến cung ứng trọn gói".
Mục tiêu đến 2030 là tăng trưởng hai con số, phát triển bền vững theo kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu xuất khẩu riêng. Chỉ tiêu cụ thể gồm: Tăng doanh thu trên 5%, lợi nhuận 12-15%/năm, thu nhập người lao động tăng vượt CPI 2-3%, giảm phát thải 9-10%, 100% doanh nghiệp đạt chuẩn môi trường.
Một số giải pháp then chốt được Vinatex đưa ra tại Đại hội vừa diễn ra gồm chuyển đổi số và xanh; đầu tư công nghệ 4.0; tái cơ cấu doanh nghiệp; phát triển thị trường trong và ngoài nước; nâng cao mô hình quản trị; gắn kết phát triển kinh tế với quốc phòng, an ninh mạng; xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển nhân lực toàn diện.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội vừa diễn ra của Vinatex, ông Lại Xuân Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy Chính phủ cho rằng trong bối cảnh các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP đang mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra áp lực cạnh tranh gay gắt, Tập đoàn Vinatex cần tận dụng tốt các ưu đãi, nâng cao năng lực nội địa hóa, xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam uy tín, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Đồng thời, ông Lâm cũng đề nghị Vinatex cần đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản trị, sản xuất, logistics và chăm sóc khách hàng để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả. Việc tái cấu trúc theo chuỗi khép kín từ sợi – dệt – nhuộm – may – thương mại cần được hoàn thiện, gắn liền với đầu tư vào các sản phẩm đặc thù, giá trị cao, thân thiện với môi trường.