“Bộ tứ siêu đẳng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gồm 4 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes, Vinpearl và Vincom Retail góp công lớn đưa VN-Index trở lại mốc 1.300 điểm.
Sau khi Vinpearl niêm yết với định giá khủng, tác động của cổ phiếu nhóm Vingroup đến thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng rõ rệt. Tại thời điểm kết thúc ngày 14/5, tổng giá trị vốn hóa của Vingroup, Vinhomes, Vinpearl và Vincom Retail lên đến gần 790.000 tỷ đồng, chiếm hơn 14% giá trị vốn hóa toàn sàn HoSE.
Với sự bứt phá của Vinpearl, tỷ phú Phạm Nhật Vượng có 3 đại diện nằm trong top 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Việt Nam. Bên cạnh đó, Vincom Retail cũng nằm trong top 30 doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán. Ngoài ra, nhóm Vingroup còn có một doanh nghiệp tỷ USD đang giao dịch trên UPCoM là VEFAC.
Đáng chú ý, “bộ tứ siêu đẳng” của tỷ phú Phạm Nhật Vượng gồm 4 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes, Vinpearl và Vincom Retail đóng góp tổng cộng hơn 75 điểm vào VN-Index, trong khi chỉ số này chỉ tăng chưa đến 43 điểm từ đầu năm 2025. Có thể thấy, nhóm Vingroup là một trong những nhân tố góp công lớn nhất đưa VN-Index trở lại mốc 1.300 điểm.
Từ đầu năm, VIC đã tăng gần gấp đôi, VHM tăng hơn 50%, VRE tăng 44%, qua đó leo lên vùng đỉnh nhiều tháng. Trong khi đó, VPL mới lên sàn 2 phiên nhưng cũng đã tăng 28%, đóng góp gần 10 điểm vào chỉ số. Phần lớn đà tăng đến từ sau khi Vinpearl nộp hồ sơ niêm yết hồi đầu tháng 3.
Cổ phiếu VIC bứt phá mạnh đẩy tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng vọt. Ước tính, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng (bao gồm sở hữu trực tiếp và gián tiếp) trên sàn chứng khoán Việt Nam vào khoảng 165.000 tỷ đồng (6,5 tỷ USD), tăng 150.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2025.
Còn theo cập nhật mới nhất từ Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu thứ 322 thế giới, với khối tài sản tại ngày 14/5 lên đến 9,2 tỷ USD. Chủ tịch Vingroup là người Việt Nam đầu tiên chạm đến con số này, theo tính toán của Forbes. Cần lưu ý rằng, rất khó để tính toán chính xác tài sản của các tỷ phú và con số của Forbes đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo.
Ngoài các cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam, một phần không nhỏ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng còn nằm tại VinFast – doanh nghiệp niêm yết trên Nasdaq. VinFast hiện là hãng xe bán chạy nhất Việt Nam và đang nằm trong top 10 hãng xe điện giá trị nhất thế giới, với vốn hóa 8,7 tỷ USD (theo companiesmarketcap).
Trở lại với Vingroup, năm 2025, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 300.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế thu nhập dự kiến 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 56% và 90% so với thực hiện năm 2024. Với kết quả đạt được, Vingroup đã thực hiện 28% kế hoạch doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu năm.
Về kết quả kinh doanh quý 1, Vingroup ghi nhận tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 84.053 tỷ đồng, tăng trưởng 287% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ ghi nhận tăng trưởng tích cực từ các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phát triển và kinh doanh bất động sản. Đây là mức doanh thu kỷ lục mà Vingroup từng đạt được trong một quý. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.243 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ 2024.