Các doanh nghiệp xây dựng niêm yết tiếp tục đối mặt với áp lực lợi nhuận nguyên nhân do cạnh tranh gay gắt và chi phí nguyên vật liệu tăng cao, điều này làm giảm khả năng cải thiện hồ sơ tín nhiệm.
Các doanh nghiệp xây dựng niêm yết tiếp tục đối mặt với áp lực lợi nhuận. (Ảnh:Int)
Báo cáo của VIS Rating mới đây cho biết, hồ sơ tín nhiệm ngành xây dựng cải thiện nhẹ trong quý 1/2025, nhờ các chính sách mới và nhu cầu xây dựng tăng cao. Giá trị hợp đồng chưa thực hiện (Backlogs) của toàn ngành tăng nhanh khi giải ngân đầu tư hạ tầng được đẩy mạnh và tiến độ cấp giấy phép dự án bất động sản diễn ra nhanh hơn. Khả năng tiếp cận vốn của ngành xây dựng trở nên dễ dàng hơn do tăng vay ngắn hạn từ ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.
Mặc dù doanh thu vẫn ghi nhận tăng trưởng, biên lợi nhuận duy trì ở mức thấp đã hạn chế sự cải thiện các chỉ số định lượng về tín nhiệm. Biên lợi nhuận EBITDA chưa thoát khỏi áp lực, khiển đòn bẩy nợ vay trên EBITDA giảm nhẹ và dòng tiền hoạt động tiếp tục âm.
VIS Rating nhận định trong thời gian tới cạnh tranh cao và chi phí vật liệu xây dựng leo thang sẽ khiên biên lợi nhuận sụt giảm, hạn chế sự cải thiện về khả năng trả nợ và hồ sơ tín nhiệm chung của ngành.
Cũng theo VIS Rating, các cải cách pháp lý đang đơn giản hóa quy trình phê duyệt về xây dựng và giảm thủ tục hành chính. Nghị định 175/2024/ND- CP, cùng với các chỉ thị gần đây của Thủ tướng Chính phủ, sẽ giảm bớt giấy tờ quy định, rút ngắn thời gian cho việc cấp các giấy phép xây dựng mới.
Các chỉ đạo mới của Chính phủ nhằm tăng nguồn cung nhà ở đang thúc đẩy nhu cầu xây dựng dân dụng cho các nhà thầu dẫn đầu trong lĩnh vực này như CTD, HBC và Newtecons.
Backlogs ngành xây dựng vẫn duy trì ở mức cao trong quý 1/2025, đặc biệt đối với các nhà thầu lớn có năng lực triển khai các đại dự án. CTD ghi nhận mức tăng 6% so với quý trước đạt backlog 37 nghìn tỷ đồng, trong khi VCG ước tính tăng 7% lên mức 30 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch đầu tư công tăng mạnh cùng với việc phê duyệt dự án bất động sản nhanh hơn sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng backlog trong nửa cuối năm 2025.
Tuy nhiên, chi phí vật liêu xây dựng tăng đang làm suy giảm biên lợi nhuận. Trong 5 tháng đầu năm, thép đã tăng 1,9% so với cùng kì (svck), xi măng (+8% svck) và cát (+30% svck). Các hạn chế về nguồn cung trong nước và chi phí năng lượng đang tăng có khả năng duy trì giá vật liệu xây dựng ở mức cao trong nửa cuối năm.
Liên quan đến nguồn vốn, vay ngắn hạn ngân hàng tăng hỗ trợ tăng trưởng toàn ngành. Tín dụng cho ngành xây dựng đã tăng 3,56% tính đến tháng 4/2025 – so với mức 0,7% của năm trước – cho thấy góc nhìn tích cực về ngành của ngân hàng và nhu cầu vốn tăng cao.
Nợ ngắn hạn của các công ty xây dựng niêm yết đã tăng 7% trong quý 1/2025, chiếm gần 70% giá trị tổng nợ vay. Điều này phản ánh nhu cầu vốn lưu động tăng lên khi hoạt động xây dựng đang được đẩy mạnh. Lãi suất vay trung bình giảm xuống 5,8%/năm, tạo thêm dư địa thanh khoản cho các công ty xây dựng đáp ứng nghĩa vụ nợ.
Tuy nhiên, triển vọng lợi nhuận yếu làm giảm khả năng cải thiện hồ sơ tín nhiệm. Doanh thu tăng 6% so với cùng kỳ năm trước trong quý 1/2025, nhưng biên lợi nhuận EBITDA giảm từ 9,8% xuống 9,0%.
Các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục đối mặt với áp lực lợi nhuận. Mặc dù đặt mục tiêu tăng trưởng tổng doanh thu tăng 15% trong năm 2025 nhưng lợi nhuận kế hoạch lại giảm 4% với lý do cạnh tranh gay gắt và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Tỉ lệ đòn bẩy duy trì ổn định, với tỷ lệ Nợ vay/EBITDA của ngành là 4,9x trong quý 1/2025. Tuy nhiên, dòng tiền hoạt động vẫn ở mức thấp, vốn chủ tăng thêm từ lợi nhuận giữ lại không đủ để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động.
Hệ số bao phủ lãi vay của các công ty lớn đã cải thiện lên mức 3,5x, so với mức 2,1x của các công ty vừa và nhỏ, do biên lợi nhuận cao hơn, thu hồi công nợ nhanh hơn và năng lực triển khai xây dựng tốt hơn.