"Qua lần tai nạn trên mình đã cảm thấy quyết định của mình không hề sai lầm".
"Xe có thể sửa, người thì không"
Mới đây, một chủ xe VinFast VF 6 đã chia sẻ về vụ tai nạn mà anh gặp phải. Sự việc xảy ra khi chủ xe đánh lái để tránh 2 người được cho là "say rượu", dẫn đến việc xe đâm gãy 2 cột mốc bên đường và lao xuống một hố sâu bên đường. Khu vực xảy ra tai nạn được cho là rừng núi hẻo lánh, nơi cách đại lý gần nhất tới hơn 200km.
Điều đặc biệt được chú ý tới là tình trạng sức khỏe của người lái. Qua chia sẻ, người lái chỉ bị xây xước nhẹ và hoàn toàn không gặp vấn đề nào nghiêm trọng; khoang lái của xe cũng còn nguyên vẹn.
Chủ nhân bài đăng cũng lên tiếng khẳng định: "Qua lần tai nạn trên mình đã cảm thấy quyết định của mình không hề sai lầm".
Xe đã tông gãy 2 cây cột đường và rơi xuống hố. (Ảnh: Đỗ Tấn Quy)
Theo chia sẻ của chủ xe VinFast VF 6, sau vụ tai nạn nghiêm trọng, khung vỏ xe không biến dạng nhiều, động cơ gần như không hư hại. Hệ thống cứu hộ của VinFast cũng được kích hoạt nhanh chóng, hỗ trợ ngay sau khi nhận thông tin mặc dù cách xa địa điểm tai nạn tới hơn 200km.
Chủ nhân chiếc xe chia sẻ phần động cơ dường như không hư hỏng gì (Ảnh: Đỗ Tấn Quy)
Bài viết nhanh chóng được chia sẻ lại trên các diễn đàn dành cho người yêu xe, và cũng thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dùng mạng xã hội. Bên dưới bài đăng có hàng nghìn lượt tương tác, hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Nhiều người lên tiếng chia sẻ chủ xe đã thật may mắn khi đứng trước tình huống tai nạn nguy hiểm, người lái bình an còn xe cũng không bị hư hỏng gì, đồng thời cũng đồng tình rằng mua xe nên mua sự an toàn và chất lượng.
"Từ những vụ va chạm như thế này mới thấy: Chọn xe không chỉ vì tiện nghi, thương hiệu hay thiết kế, đôi khi, đó là lựa chọn giữa lành lặn và rủi ro không thể lường trước. Xe có thể sửa, người thì không", trang fanpage này bình luận.
Người dùng Nguyễn Lý bình luận: "Tôi nghĩ qua sự việc này cho thấy tầm quan trọng của an toàn khi lựa chọn xe hơi, một chiếc xe tốt cần chứng minh được khả năng bảo vệ người dùng trong tình huống nguy hiểm".
Mua ô tô cần quan tâm đến những tính năng an toàn nào?
Khi lựa chọn mua xe, có người thích bền, tiết kiệm xăng, có người lại thích nhiều trang bị, có người lại thích giá rẻ, có người lại quan tâm đến an toàn. Ô tô ngày nay được trang bị hàng loạt tính năng hiện đại, nhưng có những tính năng cần được đặt lên hàng đầu trước khi quyết định xuống tiền mua xe.
Dưới đây là một vài tính năng an toàn mà người mua xe cần đặc biệt chú ý:
Camera hỗ trợ lùi xe
Camera lùi là trang bị giúp người điều khiển phương tiện có được tầm nhìn tốt hơn ở phía sau, đặc biệt hữu ích khi phải lùi xe trong những không gian chật hẹp như gara hoặc trên địa hình khó quan sát. So với gương chiếu hậu thông thường, camera lùi mang lại hiệu quả cao hơn vì nó cung cấp góc nhìn rộng, bao quát cả những điểm mù mà gương không thể phản chiếu.
Hệ thống túi khí
Một trong những trang bị an toàn nền tảng và cực kỳ quan trọng là túi khí. Chúng được thiết kế để tự động bung ra khi xe chịu một lực va chạm đủ mạnh, đóng vai trò như một lớp đệm giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương cho người ngồi trong xe.
Túi khí phía trước: Ngăn chặn người lái và hành khách ghế phụ va đập vào các bộ phận cứng như vô lăng, bảng điều khiển. Túi khí bên hông: Giảm thiểu lực tác động vào cơ thể người ngồi khi có va chạm từ hai bên thành xe.
Thông thường, các mẫu xe cơ bản có 2 túi khí phía trước. Tuy nhiên, với những cải tiến trong công nghệ an toàn, các dòng xe hiện đại ngày nay thường được trang bị nhiều túi khí hơn, có thể từ 4 đến 7 túi hoặc nhiều hơn, bao gồm cả túi khí rèm, túi khí đầu gối, tùy theo thiết kế và phân khúc xe, nhằm bảo vệ toàn diện hơn cho mọi hành khách.
Cảm biến cảnh báo va chạm
Nhiều mẫu xe, đặc biệt là các dòng cao cấp, được tích hợp hệ thống cảm biến xung quanh (thường ở hai bên hông và đuôi xe) để cảnh báo va chạm. Các cảm biến này sẽ phát ra tín hiệu âm thanh khi phát hiện chướng ngại vật tiến đến gần xe trong một khoảng cách nhất định, giúp người lái nhận biết và phòng tránh.
Hệ thống này đang trở nên ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể gây chút phiền toái cho người dùng, ví dụ như khi di chuyển trong khu vực ùn tắc giao thông, tiếng kêu cảnh báo liên tục có thể gây khó chịu. Ở một số xe, hệ thống này còn kết hợp cảnh báo bằng tín hiệu đèn nhấp nháy trên gương chiếu hậu, báo hiệu có phương tiện hoặc vật cản đang đến gần từ bên trái hoặc phải.
Hệ thống cân bằng điện tử (ESP)
Hầu hết các mẫu xe hiện đại, nhất là các dòng xe cao cấp, đều sở hữu hệ thống cân bằng điện tử (ESP). Công nghệ này giúp duy trì sự ổn định của xe khi vận hành, đặc biệt trong các tình huống như phanh gấp, đánh lái đột ngột hay vào cua.
ESP hoạt động dựa trên sự phối hợp của nhiều hệ thống con, bao gồm hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) và hệ thống kiểm soát lực kéo (chống trượt bánh xe khi tăng tốc – ASR/TCS). Nhờ đó, người lái có thể kiểm soát xe tốt hơn, tối ưu hóa độ an toàn khi di chuyển, kể cả trong điều kiện đường sá trơn trượt hay thời tiết xấu.
Dây đai an toàn
Dù là một chi tiết nhỏ và có mặt trên mọi chiếc xe, tầm quan trọng của nó là không thể phủ nhận. Người dùng cần nhớ rằng đây là một tính năng an toàn cơ bản nhưng thiết yếu, không chỉ cần kiểm tra khi mua xe mà quan trọng hơn là phải hình thành thói quen luôn cài dây an toàn trước khi cho xe lăn bánh.
Trong trường hợp xảy ra va chạm, việc thắt dây an toàn sẽ giữ chặt người ngồi vào ghế, hạn chế quán tính lao về phía trước. Điều này không chỉ trực tiếp giảm thiểu chấn thương mà còn giúp túi khí phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ khi bung ra.
Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)
Công nghệ chống bó cứng phanh ABS có nhiệm vụ ngăn không cho các bánh xe bị khóa cứng hoàn toàn trong quá trình phanh gấp. Nhờ đó, người lái vẫn có thể duy trì khả năng điều khiển hướng lái của xe, tăng cơ hội tránh được các va chạm tiềm ẩn. Tuy vậy, ABS không phải là một đảm bảo tuyệt đối chống lại mọi tai nạn; người lái vẫn có nguy cơ mất kiểm soát nếu di chuyển ở tốc độ quá cao hoặc trên các bề mặt đường phức tạp, trơn trượt.
Hiện nay, hầu hết các xe ô tô con đều được trang bị hệ thống ABS tác động lên cả 4 bánh. Đối với các dòng xe thể thao hoặc xe tải, tùy thuộc vào thiết kế, có thể sử dụng ABS 4 bánh hoặc loại chỉ tác động lên 2 bánh sau. Loại ABS 4 bánh cung cấp khả năng quản lý và kiểm soát chống trượt cho tất cả các bánh, trong khi loại 2 bánh chỉ can thiệp vào hai bánh sau.
Một số hệ thống ABS hiện đại còn tích hợp thêm chức năng Hỗ trợ lực phanh khẩn cấp (Brake Assist – BA). Tính năng này có thể nhận biết tình huống phanh đột ngột dựa trên tốc độ hoặc lực tác động lên bàn đạp phanh của người lái, và tự động gia tăng áp lực phanh đến mức tối đa nếu cần. Điều này giúp hệ thống ABS được kích hoạt nhanh chóng và hiệu quả hơn, đặc biệt trong trường hợp người lái phanh không đủ mạnh hoặc phản ứng chậm, qua đó rút ngắn quãng đường phanh và nâng cao độ an toàn.
Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS)
Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS hay TRC) góp phần cải thiện sự ổn định của xe khi tăng tốc bằng cách giám sát và điều chỉnh tốc độ quay của các bánh xe. Nếu phát hiện bánh xe nào đó bị quay trơn (mất độ bám), hệ thống sẽ tự động can thiệp bằng cách giảm bớt công suất động cơ truyền tới bánh đó và/hoặc áp dụng lực phanh nhẹ lên bánh xe đó. TCS thường được trang bị trên các xe đã có sẵn hệ thống ABS 4 bánh.
Các trang bị bảo vệ vùng đầu
Các trang bị bảo vệ vùng đầu thụ động thường bao gồm các lớp vật liệu hấp thụ năng lượng va chạm như xốp đặc biệt, được tích hợp ẩn bên dưới lớp lót trần và các cột xe, nên khó có thể quan sát trực tiếp. Ngoài ra, một số mẫu xe còn có các túi khí được thiết kế đặc biệt để bảo vệ vùng đầu (thường là túi khí rèm chạy dọc hai bên cửa sổ).
Loại túi khí này có hiệu quả trong việc giảm thiểu chấn thương khi xảy ra va chạm ngang hông hoặc trong tình huống xe bị lật. Mục đích chung của các trang bị này là bảo vệ đầu của người ngồi trong xe khỏi va đập vào các kết cấu cứng của cabin.
Tựa đầu (Gối đầu)
Tựa đầu trên ghế ngồi được thiết kế để hạn chế biên độ chuyển động của đầu người ngồi trong trường hợp xảy ra va chạm, đặc biệt là va chạm từ phía sau, nhằm giảm thiểu nguy cơ chấn thương vùng cổ (whiplash). Việc trang bị tựa đầu có kích thước và khả năng điều chỉnh phù hợp là yêu cầu bắt buộc đối với hàng ghế trước, nhưng có thể không bắt buộc hoặc có thiết kế khác ở hàng ghế sau. Ngoài loại tựa đầu điều chỉnh thủ công thông thường, một số xe tiên tiến còn sử dụng tựa đầu chủ động, có khả năng tự động điều chỉnh vị trí hoặc thay đổi hình dạng một cách linh hoạt khi xảy ra va chạm để tăng cường khả năng bảo vệ.