Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Minh thừa nhận Vinasun đang ở trong thế có nhiều sức ép, khi "Xanh SM 2 năm qua đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab cũng đã huy động đến 12 tỷ USD… vốn chủ sở hữu của Vinasun chỉ hơn 1.100 tỷ đồng".
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã chứng khoán VNS) vừa công bố KQKD quý 1/2025 với lợi nhuận sau thuế chỉ còn 14 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ quý 2/2022.
Vinasun từng là hãng taxi lớn nhất Việt Nam với hàng ngàn đầu xe và thị phần thống trị tại Tp.HCM. Tuy nhiên, khi cuộc cách mạng nền tảng (platform) xảy ra với ngành vận tải, Vinasun đã chậm chân và đánh mất thị phần vào tay các đối thủ như Grab, Be, Xanh SM.
Bị bỏ lại trong cuộc chơi vận tải công nghệ
Báo cáo từ Mordor Intelligence ghi nhận, quy mô thị trường taxi Việt Nam dự đạt 1,33 tỷ USD vào năm 2025 và tiếp tục tăng lên 3,7 tỷ USD vào năm 2030, với CAGR là 22,7%.
Trong đó, bộ ba Xanh SM, Grab và Be đang là các ứng dụng chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Các nền tảng khác xếp ở nhóm cuối, gồm Mai Linh và Vinasun.
Trong khi các nền tảng công nghệ liên tục đem đến những trải nghiệm mới cho khách hàng thông qua tích hợp nhiều dịch vụ hay tiên phong về xu hướng xe điện, thì taxi truyền thống như Vinasun chỉ dựa vào lợi thế về mạng lưới lâu đời, đội ngũ lái xe được đào tạo bài bản và độ nhận diện thương hiệu.
Tại Đại hội mới đây, Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Minh thừa nhận Vinasun đang ở trong thế có nhiều sức ép, khi "Xanh SM 2 năm qua đã tăng vốn lên 18.000 tỷ đồng, Grab cũng đã huy động đến 12 tỷ USD… vốn chủ sở hữu của Vinasun chỉ hơn 1.100 tỷ đồng, gần như tự lực trong hoạt động".
Kết quả, từ mức lợi nhuận hàng trăm tỷ mỗi năm, năm 2024, Vinasun chỉ lãi 84 tỷ – giảm gần 45% so với năm 2023.
Trong năm này, quỹ đầu tư TAEL Two Partners – cổ đông ngoại lớn nhất của Vinasun – đã tuyên bố thoái toàn bộ vốn sau chục năm đồng hành với hãng. Với 6,4 triệu cổ phiếu VNS, tương đương 9,49% vốn, TAEL ước tính chịu một mức lỗ nặng so với hơn 382 tỷ đồng họ đã đầu tư từ năm 2013.
Sang năm 2025, hãng tiếp tục đề kế hoạch sụt giảm với lợi nhuận sau thuế dự kiến chưa đến 54 tỷ đồng.
Dốc sức cho xe Hybrid
Năm 2024, giữa làn sóng xe điện hóa toàn cầu, việc Vinasun lựa chọn đầu tư 700-800 chiếc xe hybrid khiến không ít người bất ngờ. Theo giới thiệu, Hybrid là dòng xe kết hợp động cơ xăng và điện, được kỳ vọng là giải pháp trung hòa giữa hiệu suất và chi phí.
Theo báo cáo từ lãnh đạo, năm qua Công ty đã đầu tư 800 tỷ đồng cho dòng xe này. Năm 2025, Vinasun dự kiến đầu tư bổ sung khoảng 400 xe mới, chủ yếu vẫn là xe Hybrid của Toyota.
“Sắp tới, công ty sẽ ra mắt dòng xe chưa có đối thủ nào có. Ban lãnh đạo mong cổ đông thấu hiểu và đồng hành”, đại diện Vinasun gửi gắm.
Nhiều cổ đông bày tỏ lo ngại về áp lực chi phí khi đầu tư vào dòng xe Hybid, nhất là khi hiệu quả tài chính vẫn chưa cải thiện rõ rệt.
Trả lời, ông Minh giải thích lý do chọn Hybrid vì đây là dòng xe có nhiều ưu điểm vượt trội như tiết kiệm gấp 1,5-2 lần nhiên liệu so với các loại xe khác. Ngoài ra, theo Vinasun, xe Hybrid phù hợp với điều kiện hạ tầng hiện tại và không cần lo lắng về trạm sạc điện.
Chọn xe hybrid mà không chọn xe điện, lý do theo Vinasun là vì hiện tại thị trường chỉ có một thương hiệu là VinFast đủ năng lực cung ứng xe cũng như hệ thống trạm sạc. Lượng trạm sạc ở thời điểm hiện tại chưa thể đáp ứng cho đội vận tải của Vinasun, chưa tính đến vấn đề "tranh giành" chỗ sạc với Xanh SM và các hãng taxi có sử dụng xe điện của VinFast.
Tuy nhiên, xe điện, xe xăng hay xe hybrid không phải là vấn đề "chí tử" của Vinasun dù chi phí vận hành cho mỗi loại xe có sự chênh lệch đáng kể.
Khách hàng chọn cả Grab, Xanh SM và Be dù không phải hãng nào cũng chạy xe điện, họ chọn là bởi sự tiện lợi, lượng tài xế đông, minh bạch giá cả và ưu đãi giảm giá mà các nền tảng gọi xe đem lại. Di chuyển bằng ứng dụng gọi xe đã trở thành thói quen tiêu dùng khó thay thế. Vinasun chậm chân trong cuộc đua và họ hiện tại không đủ nguồn lực tài chính để giành lại thị phần.
Nhiều chuyên gia đánh giá, một số hướng đi tiếp theo của taxi truyền thống cần được thực hiện sớm để tồn tại và phát triển. Đó là thay vì chỉ phát triển ứng dụng riêng, các hãng taxi truyền thống có thể hợp tác với các ứng dụng gọi xe hiện có để mở rộng kênh tiếp cận khách hàng cũng như tích hợp với những dịch vụ khác.