Khủng hoảng nợ công Châu Âu giai đoạn 2008 – 2012 là sự kiện “đáng quên” của một trong những liên minh kinh tê lớn nhất thế giới. Sự kiện này dẫn tới sự sụp đổ của nhiều để chế tài chính lớn mạnh, tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế châu lục này trong cuộc đại suy thoái 2008. Vậy cuộc khủng hoảng này diễn ra như thế nào? Nguyên nhân, diễn biến và tác động như thế nào? Mời bạn cùng VNSC tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Khủng hoảng nợ công Châu Âu là gì?
Khủng hoảng nợ công Châu Âu là tình trạng nhiều quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), đặc biệt là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý, rơi vào tình trạng nợ công vượt quá khả năng chi trả từ cuối những năm 2000. Cuộc khủng hoảng bắt đầu bùng nổ năm 2008, sau cuộc đại suy thoái toàn cầu, khi các quốc gia này gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc tái cấp vốn cho các khoản vay.
Trong đó, nợ công là khoản tiền mà Chính phủ vay từ các nguồn trong và ngoài nước để bù đắp thâm hụt ngân sách, khi chi tiêu vượt quá thu. Nguồn vay có thể từ trái phiếu, tổ chức tài chính quốc tế hoặc các quốc gia khác. Khi tỷ lệ nợ công so với GDP vượt quá mức an toàn (thường là mức 60% theo Hiệp ước Maastricht) hay vượt quá khả năng trả nợ, nó có thể gây ra rủi ro tài chính và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế quốc gia.
Nguyên nhân gây ra khủng hoảng nợ công Châu Âu
Tình trạng nợ công của một số quốc gia Châu Âu gia tăng nhanh chóng dẫn tới khủng hoảng là do chi tiêu công không kiểm soát, ảnh hưởng từ đại suy thoái, sự hạn chế của đồng Euro, quản lý tài chính yếu kém và cấu trúc kinh tế không đồng đều trong liên minh EU. Cụ thể như sau:
Chi tiêu công không kiểm soát
Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều quốc gia châu Âu, đặc biệt là Hy Lạp, đã duy trì mức chi tiêu công vượt quá nguồn thu trong thời gian dài. Việc chi tiêu mạnh mà không có kế hoạch trả nợ rõ ràng, ảnh hưởng từ đại suy thoái 2008 khiến một số quốc gia Châu Âu nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công. Cụ thể:
- Hy Lạp là quốc gia đầu tiên bước vào vòng xoáy khủng hoảng nợ công, với mức thâm hụt ngân sách năm 2009 lên tới 12,7% GDP. Nguyên nhân chủ yếu do chi tiêu công vượt quá kiểm soát, hệ thống thu thuế kém hiệu quả và việc báo cáo số liệu tài chính không minh bạch trong nhiều năm.
- Ireland ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục 32% GDP vào năm 2010, chủ yếu do chi phí cứu trợ hệ thống ngân hàng sau khi bong bóng bất động sản vỡ. Chính phủ đã chi hàng chục tỷ Euro để tái cấp vốn cho các ngân hàng, khiến nợ công tăng vọt.
- Năm 2010, Bồ Đào Nha thâm hụt ngân sách 9,8% GDP do chi tiêu công cao và kinh tế tăng trưởng chậm. Trước áp lực thị trường và chi phí vay tăng, nước này xin gói cứu trợ 78 tỷ Euro từ EU và IMF vào năm 2011.
- Năm 2010, Tây Ban Nha ghi nhận thâm hụt ngân sách đạt 11,2% GDP, mức cao kỷ lục do suy thoái kinh tế, sụt giảm thu ngân sách và chi tiêu lớn để cứu trợ ngân hàng.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008
Cuộc đại suy thoái 2008 sau khi vỡ bong bóng bất động sản khiến hệ thống ngân hàng nhiều quốc gia lao đao. Một số quốc gia như Ireland phải chi hàng tỷ Euro để cứu hệ thống ngân hàng không sụp đổ. Cùng với tình trạng suy thoái kinh tế, nguồn thu thuế giảm mạnh khiến tình trạng nợ công ngày càng trầm trọng hơn.
Hạn chế của đồng Euro
Việc sử dụng đồng tiền chung Euro khiến các quốc gia mất quyền điều chỉnh chính sách tiền tệ độc lập. Mức lãi suất thấp do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) áp dụng thường chỉ phù hợp với các nước mạnh như Pháp, Đức, không phù hợp với các nước yếu như Hy Lạp.
Ngược lại, mức lãi suất thấp khuyến khích Chính phủ các nước yếu vay nợ nhiều hơn. Đồng thời, các nước yếu như Hy Lạp không thể phá giá tiền tệ để tăng xuất khẩu, dẫn đến suy giảm năng lực cạnh tranh kinh tế. Những điều này khiến gánh nặng nợ cộng ở một số quốc gia Châu Âu ngày càng nặng nề hơn.
Quản lý tài chính yếu kém và thiếu minh bạch
Một số quốc gia không báo cáo chính xác tình hình tài chính. Trong đó, Chính phủ Hy Lạp đã che giấu và công bố sai số liệu tài chính năm 2009, mức thâm hụt ngân sách thực tế là 13,6% GDP được điều chỉnh xuống còn 6% – 8%. Điều này mà mất lòng tin của thị trường và đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp lên cao. Nợ công của Hy Lạp đạt tới 127% GDP năm 2009.
Cấu trúc kinh tế không đồng đều trong EU
Các nước yếu như Hy Lạp và Tây Ban Nha khi gia nhập EU được hưởng mức lãi suất vay Euro thấp. Điều này thúc đẩy họ vay nhiều hơn, làm trầm trọng hơn gánh nặng nợ công. Các nước mạnh như Đức và Pháp vay ít hơn nên ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Sự chênh lệch này khiến các nước yếu không thể cạnh tranh hiệu quả, dẫn đến tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp là 17,7%., của Tây Ban Nha là 25% và của Đức chỉ 4,8%. Về GDP năm 2011, Hy Lạp giảm 9,9%, Tây Ban Nha giảm 0,6%, Đức tăng 3,8%.
Diễn biến của khủng hoảng nợ công Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu chia thành 4 giai đoạn: Khởi phát, lan rộng, đỉnh điểm và phục hồi. Cụ thể như sau:
Giai đoạn khởi phát (2008 – 2009)
Khủng hoảng bắt đầu khi chính phủ mới của Hy Lạp công bố mức thâm hụt ngân sách thực tế của nước này năm 2009 là 12,7% GDP, cao gần gấp đôi so với con số 6,7% được báo cáo trước đó. Điều này làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, họ rút vốn hàng loạt và lãi suất trái phiếu chính phủ Hy Lạp tăng cao.
Giai đoạn lan rộng (2010 – 2011)
Năm 2010, Hy Lạp nhận gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ Euro từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Tuy nhiên, nợ công vẫn tăng lên 172% GDP vào năm 2011. Ireland nhận 85 tỷ Euro cứu trợ vào năm 2010, Bồ Đào Nha nhận 78 tỷ Euro năm 2011 do không thể tái cấp vốn. Hệ thống ngân hàng ở Tây Ban Nha gặp khó khăn, nợ công của Ý tăng lên tới 120% GDP năm 2011.
Giai đoạn đỉnh điểm (2012)
Năm 2012, Hy Lạp buộc phải tái cơ cấu nợ, cắt giảm 53,5% giá trị trái phiếu để tránh vỡ nợ. Lo ngại về khả năng Hy Lạp rời khu vực đồng Euro (Grexit) tăng cao, gây biến động nghiêm trọng trên thị trường tài chính.
Giai đoạn phục hồi (2013 – 2015)
Nhờ chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các gói cứu trợ, khủng hoảng dần được kiểm soát. Năm 2015, Hy Lạp nhận gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ Euro, các nền kinh tế như Ireland, Tây Ban Nha bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
4. Tác động của khủng hoảng nợ công Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công không chỉ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế các quốc gia gặp khủng hoảng mà còn tới nền kinh tế Châu Âu và toàn cầu. Cụ thể như sau:
Đối với các quốc gia bị ảnh hưởng
Từ năm 2008 đến 2013, Hy Lạp mất khoảng 25% GDP, rơi vào suy thoái sâu kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp đạt đỉnh 27,6% vào tháng 5/2013, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh không việc làm. Trước sức ép từ EU và IMF, Hy Lạp buộc phải áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu nghiêm ngặt, gây ra biểu tình và bất ổn xã hội nghiêm trọng.
Tác động của khủng hoảng lan tới Tây Ban Nha thông qua thị trường tài chính và hệ thống ngân hàng, kéo theo khủng hoảng việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đạt 26,02% vào đầu năm 2013, đặc biệt nghiêm trọng trong giới trẻ. Tây Ban Nha buộc phải tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và nhận hỗ trợ từ EU để ổn định kinh tế.
Bồ Đào Nha đối mặt với suy giảm tăng trưởng, nợ công gia tăng và mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính. Để đổi lấy gói cứu trợ 78 tỷ euro vào năm 2011, nước này thực hiện cắt giảm lương công chức và tăng thuế. Các chính sách này vấp phải phản ứng dữ dội từ xã hội, điển hình là các cuộc đình công và biểu tình lan rộng trong năm 2012 – 2013.
Đối với Liên minh Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu làm lộ rõ những mâu thuẫn trong nội bộ EU, đặc biệt giữa các quốc gia có nền kinh tế mạnh và các quốc gia có nền kinh tế yếu. Các nước như Đức phản đối việc sử dụng ngân sách chung để cứu trợ những quốc gia mắc nợ nặng nề như Hy Lạp, dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong khối. Sự bất đồng này không chỉ làm suy yếu tính đoàn kết mà còn đặt ra câu hỏi về tương lai của sự hội nhập châu Âu.
Nguy cơ Hy Lạp rời khỏi khu vực đồng Euro (Grexit) đã làm giảm niềm tin vào đồng tiền chung, gây ra biến động trên thị trường tài chính. Để đối phó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) buộc phải cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ đồng Euro, bao gồm việc mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia gặp khó khăn. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ phần nào xoa dịu tình hình mà không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Khủng hoảng nợ công đã khiến EU phải xem xét lại chiến lược hội nhập và mở rộng. Các quốc gia mới gia nhập hoặc đang trong quá trình đàm phán, như Croatia, phải đối mặt với những điều kiện nghiêm ngặt hơn và sự hoài nghi từ các thành viên cũ. Điều này làm chậm lại tiến trình mở rộng và đặt ra thách thức cho sự nhất thể hóa của EU.
Đối với kinh tế toàn cầu
Khủng hoảng nợ công khiến kinh tế châu Âu suy giảm, kéo theo nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến các đối tác lớn như Trung Quốc và Mỹ. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang EU giảm rõ rệt trong giai đoạn 2011 – 2012. Đồng thời, tâm lý lo ngại lan rộng ra thị trường toàn cầu, khiến chỉ số S&P 500 của Mỹ giảm hơn 16% trong năm 2011.
Giải pháp thực tế đã được áp dụng
Để giải quyết khủng hoảng, EU đã thực hiện nhiều giải pháp như các gói cứu trợ tới quốc gia khó khăn, điều chỉnh chính sách ECB, cải cách và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các gói cứu trợ tài chính
Các quốc gia gặp khủng hoảng nghiêm trọng đã nhận các gói cứu trợ như sau:
- Hy Lạp: Đã nhận ba gói cứu trợ quốc tế vào các năm 2010, 2012 và 2015, với tổng trị giá 289 tỷ euro (tương đương 330 tỷ USD). Đổi lại, nước này phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” nghiêm ngặt và cải cách sâu rộng trong nhiều lĩnh vực công.
- Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha: Ireland nhận gói cứu trợ từ EU và IMF trị giá khoảng 80–90 tỷ euro năm 2010. Bồ Đào Nha nhận gói cứu trợ trị giá 78 tỷ euro từ EU và IMF năm 2011. Tây Ban Nha nhận gói cứu trợ trị giá khoảng 100 tỷ euro từ Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) để tái vốn hóa hệ thống ngân hàng năm 2012.
- Tái cơ cấu nợ: Năm 2012, Hy Lạp thực hiện chương trình hoán đổi nợ với các chủ nợ tư nhân, giúp giảm khoảng 107 tỷ euro nợ công, tương đương hơn 50% giá trị trái phiếu đang lưu hành.
Chính sách của ECB
Tháng 9/2012, ECB thực hiện chương trình Outright Monetary Transactions (OMT), cho phép mua không giới hạn trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 1 đến 3 năm trên thị trường thứ cấp. Điều này ổn định thị trường tài chính và hỗ trợ các quốc gia khó khăn.. Muốn tham gia chương trình này, các quốc gia phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện kinh tế và tài chính của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) hoặc Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).
Trước nguy cơ giảm phát và tăng trưởng kinh tế chậm, ECB triển khai chương trình Nới lỏng Định lượng (Quantitative Easing – QE) vào tháng 1/2015. Chương trình bao gồm việc mua 60 tỷ euro tài sản mỗi tháng (chủ yếu là trái phiếu chính phủ và chứng khoán khu vực tư nhân), nhằm bơm thanh khoản vào nền kinh tế và duy trì lãi suất ở mức thấp gần 0%.
Cải cách kinh tế và tài chính
Hiệp ước Fiscal Compact (2012) được ký kết vào tháng 3/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, yêu cầu các quốc gia thành viên giữ thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP và nợ công dưới 60% GDP. Các quốc gia có nợ công vượt quá 60% GDP phải giảm nợ công với tốc độ ít nhất là 1/20 mỗi năm.
Hy Lạp cắt giảm lương hưu, giảm trợ cấp xã hội, tăng thuế VAT từ 13% đến 23% đối với một số hàng hóa và dịch vụ, bán hoặc cho thuê các doanh nghiệp nhà nước để thu hút vốn và giảm nợ công.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
EU đầu tư vào các chương trình như Kế hoạch Juncker (2015), huy động 315 tỷ Euro để phát triển cơ sở hạ tầng và tạo việc làm. Các nước như Ireland và Tây Ban Nha cũng cải cách thị trường lao động để tăng năng suất.
6. Bài học từ khủng hoảng nợ công Châu Âu
Cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu có thể để lại một số bài học đắt giá trong việc chi tiêu công và quản lý các lĩnh vực kinh tế công như sau:
- Kỷ luật tài khóa: Các quốc gia cần duy trì thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức bền vững. Đồng thời, cần phải có cơ chế quản lý tài chính chặt chẽ hơn và đảm bảo duy trì sự ổn định tài chính ngay cả trong thời kỳ tăng trưởng mạnh.
- Phối hợp chính sách: Các quốc gia hoặc các liên minh kinh tế cần có chính sách nhằm hỗ trợ nhanh chóng các thành viên đang gặp khó khăn, tránh để khủng hoảng lớn mạnh và lan rộng.
- Quản lý nợ công và tái cơ cấu nợ là rất quan trọng: Việc quản lý nợ công hiệu quả và linh hoạt, bao gồm tái cơ cấu nợ khi cần thiết, là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu các cuộc khủng hoảng tài chính.
- Đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng: Cần phải có một hệ thống ngân hàng mạnh mẽ và được giám sát chặt chẽ để đảm bảo rằng các ngân hàng không gây ra khủng hoảng tài chính do các khoản nợ xấu quá lớn.
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, diễn biến, tác động, giải pháp và bài học về cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu. Đây là một bài học đắt giá về quản lý tài chính công và sự phối hợp chính sách kinh tế của các quốc gia EU. Đây cũng là bài học để các quốc gia và liên minh kinh tế khác xem xét lại các chính sách của mình để ngăn chặn khủng hoảng xảy ra.