Trong vòng hơn 6 tháng, vốn hóa của hệ sinh thái Vingroup đã tăng trưởng 186% so với đầu năm, đưa tổng vốn hóa lên đến 1,11 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng giá trị của cả 8 họ và tương đương 13,5% toàn thị trường.
Tại ngày 18/7/2025, trong bối cảnh VN-Index 'mấp mé' mức 1.500 điểm lịch sử, toàn thị trường chứng khoán ghi nhận giá trị vốn hóa gần 8,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, giá trị vốn hóa của các cổ phiếu niêm yết trên HOSE là 6,4 triệu tỷ, trên HNX gần 0,4 triệu tỷ và giá trị vốn hóa thị trường của cổ phiếu giao dịch trên UPCOM là hơn 1,4 triệu tỷ.
Chiếm 29% giá trị vốn hóa toàn thị trường, tương đương hơn 2,4 triệu tỷ đồng 'nằm trong tay' 8 'họ' cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của các doanh nghiệp tư nhân bao gồm Vingroup (Chủ tịch HĐQT Phạm Nhật Vượng), Masan Group (Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang), FPT (Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình), GELEX (TGĐ Nguyễn Văn Tuấn), T&T Group (Chủ tịch sáng lập Đỗ Quang Hiển), Sovico Group (Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo), Hoàng Huy (Chủ tịch HĐQT Đỗ Hữu Hạ) và DNP – Tasco (Chủ tịch HĐQT Vũ Đình Độ).
Riêng họ Vingroup với 4 mã VIC, VHM, VRE, VEF đã lên đến 1,11 triệu tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng giá trị của cả nhóm và tương đương 13,5% toàn thị trường. Trước đó, thời điểm Vinpearl lên sàn niêm yết vào tháng 5/2025, phải tính cả VinFast đang niêm yết trên Nasdaq thì họ Vingroup mới đạt 1 triệu tỷ vốn hóa.
Trong vòng hơn 6 tháng, vốn hóa của hệ sinh thái này đã tăng trưởng 186% so với đầu năm. Động lực chính đến từ "cổ phiếu mẹ" Vingroup (VIC, tăng 193%) và "át chủ bài" bất động sản Vinhomes (VHM, 140%).
Họ Hoàng Huy và GELEX bám sát với mức tăng trưởng vốn hóa lần lượt là 86% và 83%, trong đó HHS tăng 162%, GEE tăng 359% và GEX tăng 134%.
Dù vậy, đây chỉ là 2 họ "bé", với vốn hóa họ Hoàng Huy khoảng 24.000 tỷ và của họ Gelex là hơn 157.000 tỷ. Thực tế, nhiều cổ phiếu họ Gelex đã hủy niêm yết trong năm ngoái do không đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng, khiến cho số lượng thành viên giảm đi.
Cũng tăng trưởng tốt là họ T&T Group với 4 thành viên SHB, SHS, CQN, VIF (tăng 69% lên hơn 81.000 tỷ đồng). Tuy nhiên chỉ có 2 thành viên chủ lực của hệ sinh thái là SHB và SHS tăng mạnh, và chiếm vốn hóa lớn.
2 họ lớn có giá trị vốn hóa hàng trăm nghìn tỷ là FPT (gồm FPT, FOX, FRT, TPB) đạt hơn 309.000 tỷ đồng – giảm 9% so với đầu năm, họ Masan Group (gồm TCB, MSN, MCH, MRS, MML, TCB, VSN, QHW, NET, VCF) đạt hơn 540.000 tỷ đồng – tăng 74%, chủ yếu nhờ TCB.