Ông Trần Thanh Tân cho rằng giá trị của nền kinh tế Việt Nam thật sự nâng lên rất nhiều dưới con mắt của nhà đầu tư quốc tế.
Nâng hạng đang là chủ đề đầu tư được quan tâm nhất lúc này tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Sau nhiều năm chờ đợi, nhiều tổ chức trong và ngoài nước kỳ vọng FTSE Russell sẽ nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi trong kỳ rà soát tháng 9 tới.
Dễ dàng nhận thấy, một tác động tích cực từ câu chuyện nâng hạng là dòng vốn ngoại. Theo nhiều dự báo, hàng tỷ USD có thể sẽ đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua các ETF (quỹ đầu tư mô phỏng chỉ số) và các quỹ chủ động. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ đảo chiều xu hướng rút ròng triền miên của nhà đầu tư nước ngoài những năm gần đây.
Chia sẻ về vấn đề này tại The Investors mùa 2 – The Resilient do CafeF và VPBankS đồng tổ chức, ông Trần Thanh Tân – Nhà đồng sáng lập Dragon Capital cho rằng dòng vốn ngoại đổ vào chứng khoán Việt Nam khi được nâng hạng là điều tất yếu nhưng mang tính kỹ thuật. Vì vậy, nhà đầu tư không nên đặt cược quá nhiều vào yếu tố này.
“Hãy nhìn thực chất vào nền kinh tế Việt Nam bởi nếu dòng tiền khối chảy vào nhưng nền kinh tế không đủ mạnh, không tạo niềm tin cho nhà đầu tư thì chắc chắn không bền vững. Dĩ nhiên, nhiều người thích nâng hạng vì làm cho thị trường khởi sắc. Nhưng về dài hạn, chúng ta hãy nhìn vào sức mạnh nội tại của nền kinh tế Việt Nam. Điều đó quan trọng hơn nhiều”, ông Tân nhấn mạnh.
Theo nhà đồng sáng lập Dragon Capital, Việt Nam đang có cơ hội vàng để đạt mục tiêu nói trên nhờ chuyển dịch chuỗi cung ứng, sự quyết tâm từ tinh giản bộ máy, đến sáp nhập tỉnh, các chính sách thúc đẩy giải ngân đầu tư công hay Nghị quyết 68 đặt thành phần kinh tế tư nhân vào trọng tâm trong việc phát triển quốc gia…
“Rõ ràng, chúng ta đang đi đúng hướng để đẩy kinh tế Việt Nam đi về phía trước. Với tất cả thay đổi lớn như vậy sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam tiến xa và mức tăng trưởng GDP 2 con số là rất khả thi”, ông Tân khẳng định.
Nhà đồng sáng lập Dragon Capital đánh giá, không phải ngẫu nhiên mà các định chế tài chính khuyến khích “BUY Việt Nam” thời gian gần đây. Không chỉ vì vấn đề nâng hạng, nhà đầu tư nhìn vào khái niệm giá trị nhiều hơn là cơ hội một lần, hai lần. Yếu tố giá trị của nền kinh tế Việt Nam thật sự nâng lên rất nhiều dưới con mắt của nhà đầu tư quốc tế.
Đánh giá về các nhóm ngành có thể đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế giai đoạn tới, ông Trần Thanh Tân cho rằng không nên dự đoán mà phải phải phân tích dựa trên xu hướng.
Nếu chuỗi cung ứng dịch chuyển, bất động sản KCN sẽ phát triển ngay lập tức. Hay như việc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP HCM thì chắc chắn các ngành liên quan đến công nghệ, tới tài chính sẽ có dư địa phát triển.
Một nền kinh tế tăng trưởng hai con số nhưng thị trường chứng khoán chưa đủ mạnh nên hệ thống ngân hàng – trái tim thứ nhất của nền kinh tế – vẫn là lĩnh vực quan trọng và sẽ còn phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần. Kích thích tiêu dùng nội địa giúp hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ sẽ có cơ hội phát triển.
Nhỏ hơn một chút, nếu nhìn vào thanh khoản trên thị trường chứng khoán gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với trước đây, các công ty chứng khoán được hưởng phí môi giới nhưng sẽ không bền vững.
“Tôi thật sự không muốn đưa ra dự đoán cụ thể. Tôi chỉ khuyên nhà đầu tư dùng chỉ số thông minh của mình để đọc các thông tin về vĩ mô. Tôi nghĩ nhà đầu tư nhỏ lẻ chắc không để ý nhiều đến điều này nhưng với các nhà đầu tư là tổ chức lớn, việc quan sát các yếu tố vĩ mô là việc làm thường nhật”, ông Tân nhấn mạnh.