Sự bứt phá của nhóm cổ phiếu “họ Vingroup” đã giúp quy mô tài sản của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng lần đầu tiên cán mốc 12,1 tỷ USD. Theo Forbes, ông Phạm Nhật Vượng hiện đứng thứ 216 trong danh sách tỷ phú giàu nhất hành tinh, và là người giàu nhất trong nước.
Trước đó, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng gây chú ý khi là người Việt Nam đầu tiên sở hữu trên 11 tỷ USD tài sản ròng theo thống kê của Forbes từ trước đến nay.
Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vượt 12 tỷ USD.
Tài sản của Chủ tịch Vingroup tăng mạnh trong bối cảnh các cổ phiếu liên quan tới doanh nghiệp của tỷ phú này đều tăng mạnh thời gian qua.
Trong đó, cổ phiếu VIC (Vingroup) là yếu tố trực tiếp giúp giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Kết phiên 16/7, cổ phiếu VIC dừng ở mức 117.400 đồng/cp. So với đầu năm, thị giá VIC đã tăng đột biến tới 2,7 lần. Nhờ đó, vốn hóa của Tập đoàn Vingroup đã tăng lên hơn 448.000 tỷ đồng (khoảng gần 17 tỷ USD), giữ vững vị trí doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và đứng thứ 2 toàn sàn HoSE, sau Vietcombank.
Với 449,9 triệu cổ phiếu VIC nắm giữ trực tiếp (tương đương 11,6% vốn điều lệ), giá trị cổ phần riêng tại Vingroup của ông Vượng đã lên tới khoảng 51.000 tỷ đồng, tương ứng gần 2 tỷ USD.
Cùng với VIC, các cổ phiếu trong cùng hệ sinh thái gồm VHM (Vinhomes), VRE (Vincom Retail) và VPL (Vinpearl) cũng ghi nhận mức tăng đáng kể từ hàng chục cho đến hàng trăm %.
Cổ phiếu VIC cùng nhóm “Vingroup” thăng hoa trong bối cảnh bên cạnh các dự án hiện hữu, Vingroup còn được kỳ vọng tham gia vào nhiều công trình hạ tầng trọng điểm.
Theo công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mới đây, CTCP Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc Vinspeed đã thay đổi vốn điều lệ, trong khi cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp không có sự thay đổi.
Vinspeed được thành lập vào đầu tháng 5/2025, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt, sản xuất đầu máy xe lửa, toa xe… Trong đó, ông Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup nắm 51% vốn.
Các cổ đông khác cũng là tổ chức, cá nhân liên quan đến ông Vượng, gồm Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) sở hữu 35% vốn, Vingroup sở hữu 10%. Bà Phạm Thuý Hằng – Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup sở hữu 3%. Hai con trai của ông Vượng là Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng giữ 1% cổ phần.
Hiện, ông Phạm Nhật Vượng là Chủ tịch HĐQT của Vinspeed. Thời gian qua, ông cũng tích cực “bơm” tài sản cho công ty đường, qua việc chuyển nhượng cổ phần tại Tập đoàn Vingroup.
Gần đây nhất, ngày 4/7, ông công bố đã chuyển quyền sở hữu hơn 87,5 triệu cổ phiếu VIC cho Vinspeed, tương ứng 2,26% vốn điều lệ Vingroup. Ngày thực hiện giao dịch là 27/6/2025.
Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng cũng đã chuyển nhượng 48 triệu cổ phiếu VIC cho Vinspeed vào ngày 10/6/2025.
Sau giao dịch, Vinspeed sở hữu hơn 135,6 triệu cổ phiếu VIC, tương ứng 3,5% vốn điều lệ của Tập đoàn Vingroup. Tính theo giá thị trường hiện tại (hơn 112.000 đồng/cp), số cổ phiếu này có giá trị lên tới 15.000 tỷ đồng.
Hồi tháng 5 vừa qua, Vinspeed đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Dự án có vốn đầu tư hơn 1,5 triệu tỷ đồng (khoảng 61,35 tỷ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Theo đề xuất của Vinspeed, công ty chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312.330 tỷ đồng (khoảng 12,27 tỷ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), Vinspeed đề xuất vay vốn Nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường tại Chứng khoán VPBank (VPBankS) nhận định đà tăng giá của cổ phiếu VIC còn đến từ nhiều yếu tố cộng hưởng khác.
Trong đó, đáng chú ý là việc chu kỳ kinh tế đã bước sang giai đoạn phục hồi và kỳ vọng nâng hạng thị trường sẽ tạo tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC. Ngoài ra, sự ấm lên rõ nét của thị trường bất động sản cũng góp phần hỗ trợ đà tăng của các mã đầu ngành như VIC và VHM.
Tại báo cáo mới nhất, các chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng xác suất Việt Nam được nâng hạng trong năm nay lên tới 90%. Riêng với FTSE, việc nâng hạng được dự báo có thể hút vào thị trường khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF, chưa kể các dòng vốn chủ động.
SSI cũng đưa ra danh sách 15 cổ phiếu tiềm năng được hưởng lợi, trong đó nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) là điểm nhấn với khả năng thu hút ròng hơn 300 triệu USD vốn ngoại.