Cổ phiếu VPBank bứt phá trong bối cảnh khối ngoại mua ròng mạnh tay với tổng giá trị gần 800 tỷ tính từ đầu tháng 7.
Cùng với đà tăng của thị trường, cổ phiếu VPBank (mã VPB) vừa có phiên bứt phá mạnh lên mức 21.000 đồng/cp, cao nhất trong vòng hơn 38 tháng, kể từ tháng 5/2022. Từ đầu tháng 7, cổ phiếu này đã tăng gần 14% và chỉ còn kém khoảng 12% so với đỉnh lịch sử lập được vào giai đoạn cuối 2021 đầu 2022.
Đà tăng của cổ phiếu được thúc đẩy bởi dòng tiền ngoại mạnh mẽ. Từ đầu tháng 7, khối ngoại đã liên tục mua ròng VPB với tổng giá trị gần 800 tỷ đồng. Thực tế, không chỉ VPB, các cổ phiếu được dòng tiền ngoại tìm đến gần đây đều có nhịp tăng mạnh. Các cổ phiếu còn room ngoại như VPB được kỳ vọng sẽ tiếp tục hút tiền khi triển vọng nâng hạng ngày càng rõ ràng.
Ngoài sự trở lại của khối ngoại, cổ phiếu VPB còn được hỗ trợ bởi nền tảng kết quả kinh doanh khởi sắc. Trong báo cáo gần đây, Vietcombank Securities (VCBS) dự báo lợi nhuận trước thuế (LNTT) quý 2 và cả năm 2025 của VPBank có thể tăng trưởng lần lượt 12% và 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VCBS, tăng trưởng đạt được nhờ (1) FE Credit tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giúp hỗ trợ lợi nhuận hợp nhất của toàn ngân hàng; (2) Hoạt động kinh doanh của các công ty con kỳ vọng giữ mức tăng trưởng khả quan; (3) NIM hợp nhất kỳ vọng có sự cải thiện kể từ nửa sau của năm 2025.
Đồng quan điểm, Chứng khoán NHSV dự phóng lợi nhuận sau thuế (LNST) của VPBank trong quý 2 sẽ tăng trưởng khoảng 16% so với cùng kỳ và cũng tăng 7% so với quý trước nhờ tăng trưởng tín dụng dự kiến ở mức cao (11-12% trong nửa đầu năm). LNST cả năm 2025 của VPBank được dự báo đạt gần 16.700 tỷ đồng, nhích nhẹ 4% so với năm 2024.
Theo NHSV, NIM của ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng điều chỉnh giảm, với mức giảm khoảng 20 đpt so với quý trước trong bối cảnh áp lực cạnh tranh lãi suất huy động trong ngành đang ngày một tăng cao.
Trong khi đó, chi phí hoạt động dự kiến tăng 15% so với mức thấp cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến trích lập bổ sung thêm 7.500 tỷ đồng trong quý 2 – mức trích lập khá cao so với mặt bằng nhiều quý trở lại đây, trong bối cảnh nợ xấu đang gia tăng mạnh trở lại, đặc biệt là nợ xấu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.