Cổ phiếu VPB đang dẫn dắt đà tăng của nhóm ngân hàng nói riêng và toàn thị trường nói chung khi không chỉ lập đỉnh về thị giá mà còn thu hút mạnh mẽ dòng tiền khối ngoại. Kết quả kinh doanh khởi sắc, chất lượng tài sản cải thiện cùng dư địa lớn đang trở thành những động lực giúp VPBank được giới đầu tư săn đón.
Giá tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng, khối ngoại gom hàng chục triệu cổ phiếu
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong pha tăng trưởng mạnh mẽ, với việc chỉ số VN-Index phá đỉnh lịch sử, đạt hơn 1.531 điểm khi chốt phiên 25/7. Cổ phiếu ngân hàng, trong đó đại diện nổi bật nhất là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB), đang trở thành một trụ cột quan trọng, thúc đẩy thị trường vươn tới những đỉnh cao mới.
Kết phiên 25/7, cổ phiếu VPB tăng 2,34%, thiết lập kỷ lục mới là 24.050 đồng/cp, vượt qua đỉnh 23.730 đồng/cp (đã điều chỉnh), từng ghi nhận hơn 4 năm trước (ngày 5/7/2021). Với mức tăng 30% từ đầu tháng 7 đến ngày 25/7, VPB đang là cổ phiếu tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng. So với mức thấp ghi nhận trong đợt bán tháo do những thông tin từ thuế quan hồi đầu tháng 4, cổ phiếu VPB tăng gần 51%.
Thanh khoản của VPB cũng liên tục bùng nổ trong giai đoạn gần đây. Giữa tháng 5, sau thông tin VPBank tổ chức đại nhạc hội VPBank K-Star Spark in Vietnam, cổ phiếu VPB đã ghi nhận phiên “tím trần”, với khối lượng khớp lệnh cao nhất trong lịch sử, đạt gần 96 triệu cổ phiếu. Sang đến tháng 7, trong đà tăng trưởng mạnh mẽ của toàn thị trường, cổ phiếu VPB cũng liên tiếp có những phiên giao dịch với khối lượng hơn 60 triệu đơn vị. Trung bình tháng 7, khối lượng khớp lệnh của VPBank đạt 46,5 triệu đơn vị, gấp hơn hai lần so với trung bình hai quý đầu năm (21,1 triệu đơn vị).
Một động lực lớn thúc đẩy giá cổ phiếu VPB trong giai đoạn gần đây đến từ dòng tiền mạnh mẽ của khối ngoại. Theo tổng hợp, chỉ tính riêng từ đầu tháng đến ngày 25/7, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng tổng cộng 86,6 triệu cổ phiếu VPBank, giá trị hơn 1.800 tỷ đồng. Riêng trong phiên 25/7, khối ngoại mua ròng tới 225 tỷ đồng cổ phiếu VPB, cao nhất trong nhóm ngân hàng và đứng thứ hai toàn thị trường.
Cổ phiếu VPB lọt “mắt xanh” của cả nhà đầu tư trong nước và quốc tế khi Việt Nam đang tích cực thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Với quy mô vốn hóa lớn, thanh khoản cao, kết quả kinh doanh khởi sắc và nền tảng quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn quốc tế, VPBank ở vị thế sẵn sàng để hưởng lợi từ quá trình nâng hạng. Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất thương vụ nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng GPBank, VPBank đã được nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 49%, mở rộng đáng kể dư địa đón dòng vốn ngoại chất lượng dự kiến sẽ chuẩn bị đổ vào Việt Nam.
Ghi điểm với giới chuyên gia nhờ lợi nhuận mạnh mẽ, chất lượng tài sản cải thiện
Bên cạnh vị thế đặc biệt khi thị trường chuẩn bị nâng hạng, cổ phiếu VPB còn ghi điểm với nhà đầu tư nhờ kết quả kinh doanh ấn tượng và định giá hấp dẫn. Nửa đầu năm 2025, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất 11.229 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng quý II, lợi nhuận đạt 6.215 tỷ đồng, tăng 38,3 % và vượt kỳ vọng của nhiều công ty chứng khoán.
Kết thúc quý II, VPBank trở thành ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, vượt 1,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng hợp nhất tăng trưởng 18,6%, với sự đóng góp của toàn hệ sinh thái. Đồng thời, tăng trưởng huy động tiền gửi và giấy tờ có giá riêng lẻ của VPBank gấp hơn 4 lần trung bình ngành, đạt 27,5%, trở thành bệ đỡ vững chắc cho tín dụng.
Song song với tăng trưởng vượt trội về quy mô, VPBank cũng không ngừng cải thiện chất lượng tài sản khi ghi nhận tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm hai tiếp tục xu hướng giảm.
Trước những kết quả ấn tượng trên, nhiều công ty chứng khoán đồng loạt công bố triển vọng tích cực cho cổ phiếu VPB. Chứng khoán TP HCM (HSC) đánh giá VPBank có một quý II tăng trưởng “ấn tượng”, với động lực lợi nhuận đến từ cả ngân hàng mẹ và các công ty con trong hệ sinh thái. HSC ghi nhận chất lượng tài sản của VPBank, bao gồm cả ngân hàng mẹ và FE CREDIT, đã có những cải thiện rõ nét; trong đó, việc nợ nhóm 2 giảm 4 quý liên tiếp là tín hiệu xác thực cho xu hướng phục hồi tích cực.
Chứng khoán VNDirect cũng nhận định rằng xu hướng cải thiện chất lượng tài sản là điểm sáng của VPBank trong quý II. VNDirect ước tính tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VPBank tăng từ 47,4% trong quý I lên 55,2% trong quý II. Các chuyên viên phân tích kỳ vọng xu hướng này sẽ được duy trì trong thời gian tới, nhờ quá trình tái cơ cấu FE CREDIT đạt kết quả khả quan và năng lực trả nợ của doanh nghiệp bất động sản được cải thiện khi nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ.
Cùng kết quả kinh doanh mạnh mẽ, giới phân tích tiếp tục đánh giá cao định giá hấp dẫn của VPBank. Theo UBS, cổ phiếu VPB được giao dịch với mức P/B forward khoảng 1,05 lần – vẫn tương đối rẻ nếu so với tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán Yuanta đánh giá cao xu hướng cải thiện chất lượng tài sản của VPBank, đồng thời kỳ vọng việc Nghị quyết 42 được luật hóa sẽ giúp ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn, tăng hoàn nhập dự phòng, qua đó nâng cao lợi nhuận.
Yuanta cũng đánh giá cao việc tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của VPBank đạt gần 14%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu 10,5% theo Thông tư 14/2025. Đây được kỳ vọng sẽ là dư địa để ngân hàng duy trì tăng trưởng tài sản trong giai đoạn tới. Ngoài ra, các chuyên viên phân tích cũng dự báo FE CREDIT sẽ tiếp tục duy trì lợi nhuận trong nửa cuối năm khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi.