Ngân hàng là một trong những ngành thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư chứng khoán. Trong đó, cổ phiếu CTG là một trong những mã được nhiều người quan tâm. Vậy liệu có nên đầu tư CTG cho thời điểm năm 2025 hay không?
1. Sơ lược thông tin về Ngân hàng Công thương Việt Nam – Vietinbank
CTG là mã chứng khoán của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank, một trong bốn ngân hàng quốc doanh lớn nhất Việt Nam. Được thành lập năm 1988, VietinBank có mạng lưới rộng khắp cả nước và quan hệ với hơn 1.000 ngân hàng đại lý tại 90 quốc gia.
Tính đến tháng 4/2025, VietinBank có vốn hóa thị trường khoảng 202.717 tỷ đồng, thuộc top doanh nghiệp dẫn đầu ngành. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện là cổ đông lớn nhất với 64,46% vốn, tiếp theo là MUFG nắm giữ 19,73% vốn.
VietinBank cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính như huy động tiền gửi, cho vay, thanh toán, giao dịch ngoại tệ, tài trợ thương mại quốc tế, và các dịch vụ ngân hàng khác.
2. Lịch sử giá cổ phiếu CTG biến động trong năm 2025
Bước sang năm 2025, cổ phiếu CTG (VietinBank) tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư khi thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục rõ nét sau giai đoạn biến động năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định hơn, mặt bằng lãi suất hạ nhiệt và các chính sách tiền tệ hỗ trợ được duy trì, cổ phiếu CTG đã có một năm tăng trưởng tích cực.
Năm 2019, giá cổ phiếu chủ yếu đi ngang quanh mốc 15. Sang tới năm 2020, cổ phiếu mới có một nhịp tăng nhẹ giúp giá bật tăng lên mốc 20. Tuy nhiên, ngay sau khi đạt đỉnh, CTG lại điều chỉnh mạnh, khiến giá cổ phiếu giảm sâu xuống chỉ còn 12.000đ/cp.
Sau khi tạo đáy ở mốc này vào giữa năm 2020, CTG đã có một nhịp tăng mạnh liên tục. Từ đáy 12.000đ, giá cổ phiếu CTG tiến lên sát mốc 38.000đ/cổ phiếu – tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong 1 năm.
Nửa cuối năm 2021, giá cổ phiếu điều chỉnh nhẹ. Theo sau đó là những pha tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chính của giá vẫn là điều chỉnh. Tới cuối năm 2022, khi giá cổ phiếu về lại mốc 17.000đ, thị trường có một pha phục hồi nhẹ, giúp cổ phiếu về lại mức nền 25.000đ trong năm 2023.
Kể từ năm 2024, giá cổ phiếu chuyển từ xu hướng giảm và đi ngang sang tăng giá, Sau nhiều lần tăng rồi điều chỉnh, giá cổ phiếu đạt đỉnh ở mức 42.000đ trong đầu năm 2025.
3. Có nên mua cổ phiếu CTG thời điểm hiện tại hay không?
Thời điểm hiện tại, cổ phiếu CTG vẫn chưa tạo được đột phá mạnh mẽ về giá, khi giao dịch quanh mức 41.000–42.000 đồng/cổ phiếu trong suốt quý I/2025. Vậy, có nên mua cổ phiếu CTG trong năm 2025 hay không?
Việc đầu tư vào CTG ở thời điểm này cần cân nhắc dựa trên định giá, nền tảng tài chính và triển vọng tăng trưởng dài hạn của VietinBank. Dưới đây là những yếu tố chính hỗ trợ cho quyết định đầu tư:
3.1. Triển vọng cổ phiếu CTG phát triển trong năm 2025
Hiện nay, VietinBank đang hoàn tất kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống còn 51%, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Khi hoàn tất, ngân hàng có thể thu hút thêm cổ đông chiến lược, đồng thời tăng tính chủ động trong hoạt động kinh doanh – một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của cổ phiếu CTG trong trung và dài hạn.
Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát tốt, với tỷ lệ NPL ổn định ở mức khoảng 1,6% – nằm trong top thấp nhất toàn ngành ngân hàng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt gần 190%, cho thấy tiềm lực tài chính và khả năng chống chịu rủi ro của CTG đang rất vững vàng.
Bên cạnh đó, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến vốn BOT và trái phiếu doanh nghiệp được hỗ trợ từ phía Chính phủ, giúp giảm gánh nặng tài chính và cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng trong năm 2025.
3.2. Năng lực huy động vốn và hiệu quả kinh doanh cải thiện
Trong bối cảnh lãi suất đầu vào giảm, VietinBank đã cải thiện đáng kể biên lãi ròng (NIM) và tăng cường khả năng huy động vốn giá rẻ. Tỷ lệ CASA hồi phục lên khoảng 21%, trong khi tổng tài sản tăng trưởng bền vững nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi.
Theo báo cáo tài chính quý I/2025, lợi nhuận trước thuế của CTG đạt khoảng 9.800 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2024. Dự kiến cả năm 2025, lợi nhuận có thể vượt mốc 40.000 tỷ đồng. Tuy hiệu quả kinh doanh chưa tạo sự bứt phá mạnh về giá cổ phiếu, tỷ suất sinh lời (ROE) vẫn duy trì ổn định ở mức 15% – thể hiện hiệu quả sử dụng vốn tốt so với nhiều ngân hàng khác.
3.3. Tiềm lực nội tại vững chắc – Yếu tố hỗ trợ giá cổ phiếu CTG
VietinBank vẫn là một trong những ngân hàng lớn nhất hệ thống với tiềm lực tài chính mạnh, mạng lưới rộng khắp và được hậu thuẫn bởi Ngân hàng Nhà nước. Việc Nhà nước hiện vẫn nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của CTG vừa là lợi thế về sự ổn định và chính sách hỗ trợ, vừa là hạn chế về tính linh hoạt trong kinh doanh so với các ngân hàng TMCP khác.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa sâu hơn trong năm 2025 hứa hẹn sẽ tạo nền tảng để VietinBank tái cơ cấu toàn diện, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng hoạt động quốc tế. Đây cũng là cơ hội để cổ phiếu CTG tăng giá và thiết lập mặt bằng giá mới trong tương lai gần.
4. Thách thức khi đầu tư vào cổ phiếu CTG
Dù cổ phiếu CTG được đánh giá cao nhờ nền tảng tài chính vững mạnh và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, vẫn tồn tại những rủi ro và thách thức mà nhà đầu tư cần lưu ý khi quyết định giải ngân.
4.1. Rủi ro nợ xấu
Tính đến cuối quý I/2025, tỷ lệ nợ xấu (NPL) của VietinBank đạt khoảng 1,6%, tăng nhẹ so với mức 1,57% vào giữa năm 2024. Mặc dù vẫn nằm trong mức an toàn và thấp hơn nhiều ngân hàng trong ngành, xu hướng tăng nhẹ này phản ánh ảnh hưởng kéo dài từ thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và tình trạng khó khăn của một số nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN (về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn) chính thức hết hiệu lực từ ngày 31/12/2024 cũng khiến khả năng gia tăng nợ xấu trong năm 2025 trở thành một rủi ro hiện hữu. CTG cần tiếp tục nâng cao tỷ lệ dự phòng và theo dõi sát các nhóm khách hàng có nguy cơ để giữ vững chất lượng tài sản.
4.2. Biến động kinh tế vĩ mô
CTG, giống như các ngân hàng thương mại khác, chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như:
- Lạm phát gia tăng trở lại ở một số nền kinh tế lớn;
- Tỷ giá USD/VND biến động mạnh;
- Nguy cơ đảo chiều chính sách tiền tệ toàn cầu.
Nếu lãi suất tăng trở lại trong nửa cuối năm 2025 hoặc tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng, biên lãi ròng (NIM) của CTG – hiện đang ở mức ~3,05% – có thể bị thu hẹp. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập từ hoạt động cho vay – nguồn doanh thu chính của ngân hàng.
4.3. Cạnh tranh trong ngành ngân hàng
Ngành ngân hàng Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt, nhất là từ các ngân hàng tư nhân có:
- Tỷ lệ CASA cao.
- Chiến lược chuyển đổi số linh hoạt.
- Tập trung mạnh vào ngân hàng số và bán lẻ.
Dù có lợi thế về quy mô và mạng lưới, VietinBank cần tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ, nhân sự trẻ và các sản phẩm tài chính số để duy trì khả năng cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt với thế hệ khách hàng trẻ.
Bảng: So sánh một số chỉ số tài chính của CTG với trung bình ngành (Quý I/2025)
Cổ phiếu CTG
Chỉ tiêu | CTG | Trung bình ngành |
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) | 1,60% | ~1,8% |
Biên lãi ròng (NIM) | 3,05% | ~3,2% |
Tăng trưởng tín dụng | 6,9% | ~7,5% |
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) | 189% | ~150–160% |
Ghi chú: Dữ liệu tổng hợp từ báo cáo ngành ngân hàng quý I/2025 – NHNN & tổng hợp từ các CTCK.
Trên đây là những thông tin về mã cổ phiếu CTG đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hy vọng, thông tin sẽ hữu ích giúp nhà đầu tư phân tích, đánh giá mã chứng khoán CTG một cách hiệu quả.
Disclaimers: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải lời khuyên đầu tư. Thông tin thu thập có thể đã cũ do yếu tố thời gian, vui lòng chủ động tìm hiểu thêm thông tin.