Hiện tại, VN-Index vẫn đang duy trì định giá hấp dẫn so với lịch sử với P/E dưới mốc bình quân 10 năm.
Trong báo cáo chiến lược giữa năm mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp đà tăng trưởng, với nhóm Bất động sản được dự báo dẫn dắt đà tăng trong ngắn hạn khi được hỗ trợ bởi sự thay đổi trong khung pháp lý và bối cảnh thị trường đang dần ổn định.
Tuy nhiên, xu hướng tăng trong trung và dài hạn của chỉ số chính sẽ yêu cầu sự lan tỏa của dòng tiền đến từ các nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn và mang tính dẫn dắt như Ngân hàng, Công nghệ, và Bán lẻ.
Mirae Asset nhấn mạnh, triển vọng này được định hình bởi sự kết hợp giữa các động lực tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và những bất định đáng kể bởi các yếu tố ngoại tác, đặc biệt là kết quả đàm phán thương mại với Hoa Kỳ.
Hiện tại, VN-Index vẫn đang duy trì định giá hấp dẫn so với lịch sử với P/E dưới mốc bình quân 10 năm.
Trong kịch bản kém khả quan hơn, áp lực từ bên ngoài có thể đẩy thị trường vào các nhịp điều chỉnh mới, không loại trừ khả năng chỉ số lùi về kiểm định lại vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm trong quý 3 nếu các yếu tố bất lợi kéo dài.
Một nhóm ngành kỳ vọng hưởng lợi
Về tình hình vĩ mô, MASVN cho biết nhiều động lực thúc đẩy tăng trưởng nội địa được triển khai nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025. Chính phủ đã triển khai "bộ tứ chiến lược" bao gồm Nghị quyết 57, 59, 66 và 68, theo sau là hàng loạt các chỉ đạo và văn bản hướng dẫn thực thi nhằm đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tinh giản khuôn khổ pháp lý, và tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp.
"Những nghị quyết này đồng thời góp phần thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng chung, bao gồm thúc đẩy thúc đẩy hoạt động tiêu dùng, khơi thông nguồn vốn thông qua mục tiêu tăng trưởng tín dụng và kiên quyết giải ngân toàn bộ nguồn vốn phân bổ cho đầu tư công.
Qua đó, định hình những cam kết của Việt Nam về khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế với những hoài bão và khát vọng mạnh mẽ trong bối cảnh hoạt động giao thương toàn cầu đang gặp nhiều thách thức bởi thuế quan và bất ổn địa chính trị", báo cáo chỉ rõ.
Bất động sản được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các yếu tố trên, bên cạnh là sự thay đổi trong khung pháp lý, bao gồm sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật hóa Nghị quyết 42. Cụ thể, Nghị quyết 42 đã đưa ra các cơ chế giải quyết nợ xấu và tái cơ cấu các dự án gặp khó khăn, gia tăng đòn bẩy và hanh thông nguồn vốn cho cả nhà phát triển bất động sản và các tổ chức tín dụng.
Qua đó, giúp cải thiện môi trường huy động vốn và thuận lợi hóa việc tiếp cận quỹ đất cho các dự án mới, đồng thời hỗ trợ các ngân hàng thông qua cải thiện chất lượng tài sản, khi các khoản nợ không hiệu quả liên quan đến bất động sản sẽ được xử lý.
Nhìn chung, MASVN nhận định bức tranh toàn cảnh về hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đầu ngành hiện phản ánh tín hiệu ổn định và dần phục hồi sau khủng hoảng bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 2022 – 2023 với xu hướng giá trị TPDN chậm trả mới qua từng tháng đã chậm lại kể từ đầu 2024 trong khi tỷ lệ nợ trái phiếu chậm trả gốc/lãi so với tổng dư nợ trái phiếu đang có xu hướng đi ngang tính đến tháng 6/2025, theo thống kê đến từ VIS Ratings.
Tuy vậy, triển vọng phục hồi của ngành bất động sản vẫn phụ thuộc vào khả năng huy động vốn và nguồn quỹ đất nhằm gia tăng số lượng dự án mới trong khi đồng thời cần phải cân bằng với sự phục hồi của hoạt động chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của người tiêu dùng trong thời gian tới.