Menu Icon
Giao dịch
VNSC / Tin tổng hợp

Những chủ tịch chứng khoán quyền lực nhất Việt Nam (2): ‘Thế hệ tiên phong’ ở SHS, ‘Cô Ba’ ở Vietcap và ‘Người định hình ACBS’ thời đại số

22:25 14/07/2025

anh man hinh 2025 07 14 luc 15 12 56

Họ là người đứng đầu 3 công ty chứng khoán lớn (SHS, Vietcap và ACBS) và đều là thành viên HĐQT tại ngân hàng (SHB, Bản Việt, ACB). Cách mà họ tạo ra ảnh hưởng trên TTCK cũng rất khác biệt.

Ông Đỗ Quang Vinh là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng SHB, bà Nguyễn Thanh Phượng là thành viên HĐQT Ngân hàng Bản Việt, ông Đỗ Minh Toàn là thành viên HĐQT Ngân hàng ACB. Cả 3 đều là những nhân vật có tiếng nói quan trọng tại ngân hàng của mình, đồng thời giữ vai trò Chủ tịch tại công ty chứng khoán (CTCK) mà nhà băng là cổ đông lớn hoặc sở hữu.

banker web 11 17524658998771436360428

Trước khi nổi tiếng với vai trò người dẫn dắt chuyển đổi số tại Ngân hàng SHB, rồi Chủ tịch Chứng khoán SHS, Đỗ Quang Vinh thường được biết là con trai lớn của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch SHB và Nhà sáng lập Tập đoàn T&T). Khi mới đi du học về nước, Đỗ Quang Vinh gây chú ý bởi phong cách giản dị với biệt danh “thiếu gia nghìn tỷ đi xe máy”.

Khi đó, Vinh tự bạch: “không đi siêu xe, không dùng đồ hiệu, không cần chân dài, khoái dùng xe máy, mua hàng sale off và ăn quán vỉa hè” và nói: “Đi xe máy cơ động hơn, phù hợp với giao thông Hà Nội”.

Giải thích thêm về thói quen giản dị của một thiếu gia nhà giàu, Vinh kể lại niềm vui giản dị của gia đình khi còn nhỏ là: ba chở mẹ bằng xe đạp đi sửa ti-vi cho cả nhà kiếm thêm thu nhập. Cũng trên chiếc xe đạp ấy, mẹ đưa đón Vinh đi học hàng ngày và khi có bầu em trai, mẹ vẫn đẩy xe lên 5 tầng lầu của khu tập thể vì nhà ở tầng cao nhất.

“Vì được chứng kiến sự vất vả của ba mẹ mình, dù chỉ là một chút thôi cũng giúp tôi nhận thức được giá trị của đồng tiền và càng trân trọng nó”, Vinh tâm sự.

Tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh, Đỗ Quang Vinh được cử sang Mỹ để phụ trách hoạt động kinh doanh của Tập đoàn T&T với 2 lĩnh vực là bất động sản và xuất nhập khẩu. Sau 4 năm ở Mỹ, ông Vinh trở về Việt Nam và đảm nhận vị trí Phó giám đốc mảng bán lẻ của SHB. Tháng 10/2021, Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm Phó TGĐ SHB khi mới ngoài 30 tuổi.

Đến tháng 4/2022, Đỗ Quang Vinh chính thức được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SHS. Và sau đó 1 năm, ông chính thức giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB nhiệm kỳ 2022-2027.

banker web 12 17524658998801065126536

Điểm nhấn nổi bật trong sự nghiệp của ông Vinh tại SHB là cơ hội dẫn dắt quá trình chuyển đổi số tại nhà băng này, với việc xây dựng được một hệ sinh thái số với 80 tính năng chỉ sau 3 năm. Hai “vũ khí” cho hành trình chuyển đổi số tại SHB được vị lãnh đạo cận 9x tiết lộ là phương pháp luận Agile và tư duy thiết kế (Design Thinking). Cùng với việc đẩy mạnh số hóa, SHB của “thế hệ tiên phong” đặt mục tiêu đứng số 1 về hiệu quả vào năm 2027.

Trở thành Chủ tịch Chứng khoán SHS, ông Đỗ Quang Vinh cùng đội ngũ của mình xác định một hướng đi khác. Giữa bối cảnh ngành chứng khoán bước vào chu kỳ chuyển đổi và tái cấu trúc mạnh mẽ, cùng làn sóng “zero fee”, SHS chọn hướng đi khác biệt là “service branding”: tập trung vào chất lượng dịch vụ, cá nhân hóa.

Tương tự như với SHB, ông Vinh cũng chọn công nghệ là một trong những hướng đi đột phá của SHS, với vai trò nâng cao năng lực phục vụ và thấu hiểu khách hàng. SHS đầu tư mạnh vào hệ thống CRM, AI tư vấn, Big Data… nhằm không chỉ tối ưu giao dịch mà còn đưa ra gợi ý đầu tư được “may đo” cho từng khách hàng. “Cá nhân hóa trải nghiệm là ưu tiên số một trong chiến lược công nghệ của SHS”, ông Vinh chia sẻ.

banker web 13 17524658998991471564965

Đầu năm 2025, ông Vinh chia sẻ định hướng mới của SHS khi chuyển từ CTCK sang nhà tư vấn quản lý tài sản toàn diện. Đó là cùng với “service branding”, SHS sẽ đồng hành xuyên suốt với khách hàng trong từng chu kỳ tài chính, giúp họ hiểu rõ hơn về mục tiêu tài chính và phong cách đầu tư phù hợp với bản thân – hướng tới đầu tư bền vững.

Trong 25 năm phát triển, đầu tư vào cổ phiếu trên TTCK Việt Nam thường được gọi là “chơi chứng khoán” – cụm từ không làm liên hệ đến một kênh đầu tư nghiêm túc. “Đó là điều chúng tôi muốn thay đổi. SHS không kỳ vọng thay đổi tư duy thị trường trong một sớm một chiều. Thay vào đó, chúng tôi xác định mình sẽ là một trong những đơn vị tiên phong định hình lại góc nhìn về đầu tư chuyên nghiệp”, Chủ tịch SHS Đỗ Quang Vinh chia sẻ.

banker web 14 1752465899909241075807

Khi còn là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU), bà Nguyễn Thanh Phượng đã có duyên với thị trường chứng khoán từ những ngày giao dịch còn sơ khai với vài cổ phiếu. Khi đi thực tập và “bám sàn” ở các CTCK có điểm giao dịch đẹp (như sàn của CTCK Bảo Việt trên đường Bà Triệu, Hà Nội), dù chỉ là một sinh viên sắp tốt nghiệp nhưng “Cô Ba” được nhiều người trong ngành biết đến. Chủ tịch một công ty chứng khoán tư nhân nổi tiếng, sau này được gọi là “ông trùm chứng khoán” Việt Nam cũng biết Cô Ba từ ngày đó.

Sau khi hoàn tất chương trình Thạc sĩ tại Đại học Geneva (Thụy Sĩ), bà Phượng giữ vị trí Phó giám đốc tài chính Công ty Holcim Vietnam Ltd, rồi trở thành Giám đốc Đầu tư Vietnam Holding Asset Management. Năm 2007, vào đúng thời điểm TTCK bùng nổ, giá cổ phiếu tăng phi mã, bà Phượng khởi nghiệp với Công ty chứng khoán Bản Việt (giờ là Vietcap) và giữ vị trí Chủ tịch.

Tại Vietcap, sự nghiệp chứng khoán của “Cô Ba” gắn liền với một đồng nghiệp nổi tiếng – ông Tô Hải, Tổng giám đốc. Hai nhân vật quan trọng này cùng đội ngũ đã kiên cường vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2008, rồi sau đó đưa Vietcap trở thành một thế lực đáng gờm trên thị trường.

Dưới sự dẫn dắt của bà Phượng và ông Tô Hải, Vietcap trở thành nhà tư vấn niêm yết và phát hành cho nhiều công ty nổi tiếng, thương vụ khủng nhất như tư vấn niêm yết và bán cổ phần cho Thế giới Di động (MWG), Vinamilk (VNM), tư vấn lên sàn cho Masan, Techcombank, VPBank…

banker web 15 1752465899916154642251

Đó cũng là lý do công ty này nhận được nhiều giải thưởng từ Finance Asia, Euromoney với danh hiệu “Ngân hàng Đầu tư tốt nhất Việt Nam”, “Nhà tư vấn phát hành cổ phiếu tốt nhất Việt Nam”, “Nhà huy động vốn tốt nhất Việt Nam”…

Trên thị trường, Vietcap thuộc nhóm ít CTCK có vốn hóa trên 1 tỷ USD và lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng. Năm 2024, công ty này có doanh thu 3.696 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2023 và lãi trước thuế đạt 1.089 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ. Vốn chủ sở hữu cuối năm 2024 đạt 12.944 tỷ đồng, tăng tới 76% so với thời điểm đầu năm.

Bên cạnh Vietcap, bà Phượng cũng là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt. Trở thành Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng Bản Việt năm 2012 nhưng sau đó bà Phượng chuyển giao vị trí này cho ông Lê Anh Tài và chỉ giữ vai trò cổ đông, thành viên HĐQT tại đây.

banker web 16 1752465899919863398648

Tại Vietcap, “Cô Ba” Nguyễn Thanh Phượng và các thành viên HĐQT có đặc điểm “độc nhất vô nhị” trên thị trường với việc “nhận thù lao 0 đồng” trong suốt hơn 10 năm qua, với lý do: “Chúng tôi vẫn luôn duy trì truyền thống không nhận thù lao và cũng không có một lý do gì cụ thể!”. Năm 2025, truyền thống này dự kiến vẫn được tiếp tục tại Vietcap.

Tại Vietcap, “Cô Ba” không đứng tên là cổ đông lớn nhất nhưng có tầm ảnh hưởng quan trọng và giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Tại các kỳ đại hội cổ đông, bà Nguyễn Thanh Phượng thường được trích dẫn với phát ngôn về những vấn đề của công ty.

Năm 2024, khi cổ đông lo ngại HĐQT biến động nhân sự và nghi vấn mất đoàn kết, bà Phượng có câu trả lời rất “Cô Ba”. Theo đó, Chủ tịch Vietcap khẳng định suốt 17 năm thành lập, HĐQT chưa bao giờ lục đục: “Nói tương lai sẽ không lục đục thì hơi quá nhưng cổ đông yên tâm, nếu có lục đục cỡ nào thì tôi cũng sẽ xử lý được hết”.

Tại đại hội cổ đông năm 2025, Chủ tịch Vietcap tỏ ra lạc quan về khả năng TTCK có thể được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi vào cuối năm, nhờ đó dòng vốn lớn của nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam. Trong khi đó, ông Tô Hải, Tổng giám đốc cũng cho thấy sự tự tin về việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hơn 1.400 tỷ đồng (trước thuế) “nếu VN-Index không rớt quá sâu”.

banker web 17 17524658999281948240174

Là người miền Trung, từ khi còn đi học, ông Đỗ Minh Toàn luôn thấm nhuần tư tưởng giáo dục của ba mẹ: "Chăm chỉ học tập sẽ giúp thay đổi cuộc sống của mình cũng như gia đình". Tư tưởng này cũng theo ông suốt hành trình làm việc và trong cả cuộc sống gia đình.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc thời đại học, ông Toàn sinh viên được nhận học bổng "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi trẻ. Tốt nghiệp Cử nhân ngành Ngân hàng, Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, ông Toàn còn học thêm Quản trị ngoại thương, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, có bằng MBA của Đại học Columbia Southern (Mỹ).

Vào ACB làm việc từ năm 1995, chỉ sau vài năm, ông Toàn trở thành nhân tố quan trọng cho việc thay đổi hoạt động cho vay của ACB thông qua phân tích tài chính doanh nghiệp và phát triển nghiệp vụ tài trợ xuất nhập khẩu. Năm 2003, khi đang giữ vị trí Giám đốc Khách hàng Doanh nghiệp, ACB xảy ra khủng hoảng tin đồn (thất thiệt) và ông Toàn được chỉ định làm “Tư lệnh” mặt trận tín dụng.

Tháng 8/2012, khi khủng hoảng bầu Kiên nổ ra, ông Toàn được chỉ định làm Tổng giám đốc, đúng lúc ACB đang ở “tâm bão” mà không được chuẩn bị trước. Thế nhưng, kinh nghiệm của gần 10 năm trước khi xử lý sự cố tin đồn (năm 2003) cũng phần nào giúp vị CEO bình tĩnh đối mặt với cú sốc lớn. Triết lý quan trọng để CEO này từng bước cùng các đồng nghiệp đưa ACB vượt khủng hoảng là: "Như ba mẹ mình dạy: cứ chăm chỉ làm việc từ sớm đến tối mỗi ngày, rồi từ xấu sẽ thành tốt, từ tốt thành tốt hơn”.

Về chiến lược, ông Toàn tìm ra một hướng đi khác để tạo ra một ACB mới: chuyển trung tâm tạo lợi nhuận từ bộ phận nguồn vốn ở hội sở (chiếm hơn 50%) về các chi nhánh – đầu tư mạnh cho bán lẻ (lãi suất cao hơn) thay vì cho vay doanh nghiệp. Trong 5 năm đầu tiên, CEO này trở thành người đi cơ sở nhiều nhất lịch sử ACB và nhớ hết tên hơn 370 giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch. “Mình đi để tạo động lực cho các anh em ở chi nhánh”, ông Toàn cho biết.

banker web 18 1752465899934977050702

Cùng với sự hậu thuẫn khi đó của HĐQT đứng đầu là ông Trần Hùng Huy và cả ông Trần Mộng Hùng – Nhà sáng lập ACB, ông Toàn dẫn dắt đội ngũ đã đưa ngân hàng vượt khủng hoảng, đạt những kết quả khó tin. Khi ông Toàn nhậm chức, vốn hóa ACB chỉ khoảng 1 tỷ USD; khi rời ghế CEO (đầu năm 2022), ngân hàng có giá thị trường khoảng 4 tỷ USD. Ông Đỗ Minh Toàn cũng là người giữ vị trí CEO lâu nhất trong lịch sử ACB (3 nhiệm kỳ – 9 năm).

Rời ghế CEO ACB, ông Toàn được bầu vào HĐQT ngân hàng và được chỉ định giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên CTCK ACB (ACBS). Không giống với ở ACB, thay vì mở rộng chi nhánh và đi cơ sở, Chủ tịch ACBS ưu tiên nguồn lực đầu tư cho công nghệ số. Theo đó, ACBS tập trung phát triển nguồn lực công nghệ thông tin hiện đại nhằm xây dựng hệ thống giao dịch nhanh chóng và tiện lợi cho khách hàng.

Cùng với việc đầu tư vào công nghệ số, ACBS cũng đầu tư cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ chuyên môn cao để đáp ứng xu hướng số hóa trong ngành chứng khoán. Bên cạnh đó, CTCK này triển khai các sản phẩm đầu tư giá trị dành cho nhóm khách hàng ưu tiên kết hợp với ngân hàng mẹ, nâng cấp thành công hệ thống giao dịch chứng khoán mới, đảm bảo tốc độ nhanh, ổn định, an toàn, và nâng cao được trải nghiệm của khách hàng.

Năm 2024, ACBS đạt được những kết quả bước đầu trong lộ trình “Thay đổi – Hoàn thiện – Phát triển”. Lợi nhuận trước thuế đạt mức 847 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2023. Để chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng, ACBS lên kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng, vào TOP CTCK có vốn điều lệ lớn nhất.

Cũng tương tự như ở ACB, ông Đỗ Minh Toàn gần như không xuất hiện trước truyền thông khi trở thành Chủ tịch ACBS. Chủ tịch chứng khoán có xuất thân banker này vẫn giữ nguyên tắc mà ông theo đuổi trong nhiều năm: “Làm việc chăm chỉ trong yên lặng và để thành công lên tiếng!”.

Bài: Thúy Hiền – Hoàng Ly

Thiết kế: Hải An

Link gốc

Cùng chủ đề

“Đón sóng” kết quả kinh doanh nửa cuối năm, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền?
“Đón sóng” kết quả kinh doanh nửa cuối năm, nhóm cổ phiếu nào kỳ vọng thu hút dòng tiền?

Tin tức về tăng trưởng kinh tế tích cực đã tạo ra một làn sóng kỳ vọng tích cực cho doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Agriseco Research nhấn mạnh rằng sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm sẽ mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong các ngành liên quan như đầu tư công, tiêu dùng nội địa, xuất nhập khẩu, và du lịch. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý đến các yếu tố rủi ro như biến động tỷ giá, lạm phát, và tình hình vĩ mô quốc tế để đảm bảo tăng trưởng bền vững.

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 14-07-2025 10:20:31
Nhà đầu tư chứng khoán cần chú ý điều gì trong tiến trình nâng hạng sắp tới?
Nhà đầu tư chứng khoán cần chú ý điều gì trong tiến trình nâng hạng sắp tới?

Tin tức về xu hướng mua ròng của khối ngoại và ETF tăng trở lại trên TTCK Việt Nam sau thông tin về thuế quan đã tạo ra tín hiệu tích cực. BSC Research lưu ý rằng dòng tiền NĐTNN đang tích cực, nhà đầu tư cần chú ý đến các cổ phiếu còn room-ngoại và tiềm năng vào rổ chỉ số ETF. Thông tin này có thể thúc đẩy thanh khoản và tạo đà cho thị trường phát triển trong tương lai.

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 14-07-2025 10:20:28
Mirae Asset: 2025 là giai đoạn phù hợp để tích luỹ cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng
Mirae Asset: 2025 là giai đoạn phù hợp để tích luỹ cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng

Tin tức về dự kiến nâng hạng thị trường Việt Nam từ Frontier lên Secondary Emerging đã tạo ra tác động tích cực đối với nhiều ngành liên quan. Trước thời điểm nâng hạng, thị trường chứng khoán thường có dấu hiệu bật tăng, và các cổ phiếu trong danh mục FTSE có thể hưởng lợi. Ngành chứng khoán được đánh giá cao với khả năng tăng thanh khoản và thu hút dòng vốn ngoại. Dòng tiền đầu tư có thể tăng mạnh vào thị trường Việt Nam sau khi nâng hạng.

Author icon VNSC by Finhay Calendar icon 14-07-2025 10:15:10

Trải nghiệm đầu tư thông minh
cùng VNSC by Finhay

QR Code
QR code tải ứng dụng VNSC by Finhay

VNSC by Finhay - Save & Invest

Chứng khoán & các tài sản khác

icon star icon star icon star icon star icon star 20K