Ông Don Lam nhấn mạnh việc phải từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào vốn ngoại và hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính quốc gia một cách bền vững.
“Việc nâng hạng là một cột mốc quan trọng, nhưng không phải là đích đến cuối cùng. Việc phát triển thị trường hướng đến mục tiêu lớn hơn: xây dựng nền tảng cho tự chủ tài chính của quốc gia”, chia sẻ đáng chú ý của ông Don Lam – Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital – tại sự kiện kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, có thể kể đến 3 dấu ấn tiêu biểu:
(1) Xây dựng nền tảng giao dịch hiện đại với việc đưa hệ thống KRX vào vận hành thành công, mở ra dư địa cho các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế toàn cầu.
(2) Mở rộng quy mô và gia tăng chiều sâu thị trường: Với hơn 10 triệu tài khoản nhà đầu tư, hơn 1.600 công ty niêm yết và mức vốn hóa 300 tỷ USD, TTCK đóng vai trò then chốt trong việc dẫn vốn trung và dài hạn. Thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành thị trường có giá trị giao dịch hàng ngày dẫn đầu ASEAN, đạt trung bình trên 1 tỷ USD.
(3) Đẩy mạnh hội nhập và thu hút vốn đầu tư quốc tế: Những cải cách về giới hạn sở hữu nước ngoài, quản trị doanh nghiệp đã giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
“Thiếu vắng” những thương vụ IPO mang tính “cú huých”
Ở diễn biến ngược lại, thị trường theo ông còn một số hạn chế cần khắc phục. Đơn cử, kể từ năm 2019 đến nay, chúng ta chưa có các thương vụ IPO nổi bật đủ để tạo cú hích cho thị trường đột phá.
“TTCK nước ta đang ở thời cơ tốt nhất cho việc chuyển mình. Chúng ta có đầy đủ các yếu tố giống các nước láng giềng như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Singapore khi họ đột phá từ ngưỡng thị trường chiếm khoảng 60% GDP lên mức 100% GDP. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm tiệm cận được con số này”, ông nói.
Dù mỗi quốc gia có những ưu tiên và những bước ngoặt khác nhau, nhưng có những điểm chung Việt Nam có thể học hỏi, như: đẩy mạnh IPO và cổ phần hóa, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư.
Mặt khác, trong cơ cấu thị trường, 2 ngành tài chính và bất động sản đang chiếm khoảng 60% vốn hóa. Để phù hợp với xu thế phát triển thế giới, ông Don Lam cho rằng TTCK cần thêm đại diện tiêu biểu của các ngành thể hiện sự đa dạng của nền kinh tế như công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất.
Chưa kể, ở Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 85% giao dịch hằng ngày trong khi ở các nước phát triển, nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò then chốt. Do đó, thúc đẩy nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng là yếu tố quan trọng để thị trường phát triển bền vững. Đây cũng là lực lượng đi đầu trong xây dựng và triển khai các sản phẩm tài chính mới như quỹ hưu trí, REITs – Quỹ đầu tư bất động sản rất phổ biến tại nước ngoài….
5 đề xuất đến năm 2030
Với những luận điểm trên, VinaCapital đã đề xuất 5 mục tiêu trọng tâm nên được hoàn thành trong 5 năm tới của thị trường chứng khoán, đó là:
(1) Nâng hạng thị trường;
(2) Tăng cường giáo dục tài chính;
(3) Khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức;
(4) Phát triển các sản phẩm mới;
(5) Hiện đại hóa hạ tầng thị trường.
Ông Don Lam cho biết, bước vào giai đoạn phát triển mới, vai trò của thị trường vốn cần được khẳng định rõ nét hơn nữa, tức không chỉ là công cụ hỗ trợ tăng trưởng, mà còn là trụ cột trong việc hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn, đặc biệt là thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán, trong đó có 2 chính sách lớn là Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn và Quyết định 1726 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030.
Bên cạnh đó, gần đây Việt Nam cũng ban hành 2 Nghị quyết then chốt để phát triển kinh tế là Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
“Đây là sự chuyển hướng chiến lược – từ thu hút đầu tư nước ngoài sang phát huy nguồn lực trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển. Nghị quyết 68 là một cột mốc quan trọng, khẳng định tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong việc dẫn dắt tăng trưởng của đất nước. Thị trường vốn – đặc biệt là thị trường chứng khoán – đóng vai trò vô cùng quan trọng để hiện thực mục tiêu này”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.
Ông Don Lam cũng cho biết việc tạo điều kiện thuận lợi để các quỹ đầu tư trong nước phát triển là yếu tố then chốt nhằm huy động hiệu quả nguồn lực tài chính nội địa, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào vốn ngoại và hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính quốc gia một cách bền vững.