Ông Don Lam cho rằng, để phù hợp với xu thế phát triển thế giới, thị trường chứng khoán cần thêm đại diện tiêu biểu của các ngành thể hiện sự đa dạng của nền kinh tế như công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất.
Trong Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới diễn ra sáng 28/7 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Don Lam – Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập Tập đoàn VinaCapital cho rằng, TTCK Việt Nam đã phát triển liên tục trong 25 năm qua và đang trên đà nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tổng Giám đốc VinaCapital cũng nhấn mạnh, việc nâng hạng là một cột mốc quan trọng, nhưng không phải là đích đến cuối cùng. Việc phát triển thị trường hướng đến mục tiêu lớn hơn: xây dựng nền tảng cho tự chủ tài chính của quốc gia.
Là một trong những nhà đầu tư tiên phong, VinaCapital đã đồng hành từ rất sớm với nhiều doanh nghiệp Việt Nam thông qua các khoản đầu tư chiến lược vào những công ty như Vinamilk, FPT, Hòa Phát. Nguồn vốn và sự đồng hành dài hạn từ những quỹ đầu tư như VinaCapital không chỉ góp phần củng cố nền tảng tài chính mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở rộng quy mô, dần vươn mình trở thành những tập đoàn có mặt trên thị trường quốc tế.
Nhìn lại chặng đường 25 năm hình thành và phát triển, TTCK Việt Nam đã đạt nhiều bước tiến quan trọng, trong đó, có thể kể đến ba dấu ấn tiêu biểu:
(1) Xây dựng nền tảng giao dịch hiện đại với việc đưa hệ thống KRX vào vận hành thành công, mở ra dư địa cho các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế toàn cầu.
(2) Mở rộng quy mô và gia tăng chiều sâu thị trường: Với hơn 10 triệu tài khoản nhà đầu tư, hơn 1,600 công ty niêm yết và mức vốn hóa 300 tỷ USD, thị trường chứng khoán đóng vai trò then chốt trong việc dẫn vốn trung và dài hạn. Thanh khoản cải thiện mạnh mẽ, đưa Việt Nam trở thành thị trường có giá trị giao dịch hàng ngày dẫn đầu ASEAN, đạt trung bình trên 1 tỷ USD.
(3) Đẩy mạnh hội nhập và thu hút vốn đầu tư quốc tế: Những cải cách về giới hạn sở hữu nước ngoài, quản trị doanh nghiệp đã giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư.
Ông Don Lam cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, vai trò của thị trường vốn cần được khẳng định rõ nét hơn nữa, không chỉ là công cụ hỗ trợ tăng trưởng, mà còn là trụ cột trong việc hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn, đặc biệt là thúc đẩy sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân.
Thời gian qua, Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và TTCK, trong đó có 2 chính sách lớn là Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn và Quyết định 1726 của Thủ tướng về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030. Bên cạnh đó, gần đây Việt Nam cũng ban hành 2 Nghị quyết then chốt để phát triển kinh tế là Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ và Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
“ Đây là sự chuyển hướng chiến lược , từ thu hút đầu tư nước ngoài sang phát huy nguồn lực trong nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển. Nghị quyết 68 là một cột mốc quan trọng, khẳng định tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong việc dẫn dắt tăng trưởng của đất nước. Thị trường vốn , đặc biệt là thị trường chứng khoán , đóng vai trò vô cùng quan trọng để hiện thực mục tiêu này ” , ông Don Lam khẳng định.
Chính vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi để các quỹ đầu tư trong nước phát triển là yếu tố then chốt nhằm huy động hiệu quả nguồn lực tài chính nội địa, từng bước giảm thiểu sự phụ thuộc vào vốn ngoại và hướng tới mục tiêu tự chủ tài chính quốc gia một cách bền vững. Với vai trò là một trong những quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam, VinaCapital tiên phong phát huy tối đa tiềm năng nguồn lực trong nước, góp phần khai thông dòng vốn hiệu quả vào khu vực kinh tế tư nhân – động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Thời cơ tốt nhất cho việc chuyển mình
Tuy nhiên, ông Don Lam cũng chỉ ra một số hạn chế của TTCK cần khắc phục. Kể từ năm 2019 đến nay, Việt Namchưa có các thương vụ IPO nổi bật đủ để tạo cú hích cho thị trường đột phá. Trong cơ cấu thị trường, hai ngành tài chính và bất động sản đang chiếm khoảng 60% vốn hóa. Để phù hợp với xu thế phát triển thế giới, thị trường chứng khoán cần thêm đại diện tiêu biểu của các ngành thể hiện sự đa dạng của nền kinh tế như công nghệ cao và lĩnh vực sản xuất.
Tổng Giám đốc VinaCapital cho rằng, TTCK Việt Nam đang ở thời cơ tốt nhất cho việc chuyển mình. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố giống các nước láng giềng như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Singapore khi họ đột phá từ ngưỡng thị trường chiếm khoảng 60% GDP lên mức 100% GDP. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm tiệm cận được con số này.
Dù mỗi quốc gia có những ưu tiên và những bước ngoặt khác nhau, nhưng có những điểm chung Việt Nam có thể học hỏi – như đẩy mạnh IPO và cổ phần hóa, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư. Ở Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 85% giao dịch hằng ngày trong khi ở các nước phát triển, nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò then chốt.
Ông Don Lam cho rằng, thúc đẩy nhà đầu tư tổ chức trong nước là yếu tố quan trọng để thị trường phát triển bền vững, bởi đây sẽ là lực lượng đi đầu trong xây dựng và triển khai các sản phẩm tài chính mới, như quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cho một số lĩnh vực chuyên biệt như hạ tầng, bất động sản,…
Tổng Giám đốc VinaCapital đề xuất những mục tiêu trọng tâm nên được hoàn thành trong 5 năm tới của TTCK, đó là:(1) Nâng hạng thị trường; (2) Tăng cường giáo dục tài chính; (3) Khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức; (4) Phát triển các sản phẩm mới; (5) Hiện đại hóa hạ tầng thị trường. Sau đó, thị trường có thể hướng tới mục tiêu dài hạn hơn, đó là hội nhập quốc tế sâu rộng, xây dựng hệ sinh thái tài chính số, kết nối khu vực tư nhân để hỗ trợ các ưu tiên quốc gia.
Dấu mốc 25 năm không chỉ là dịp để nhìn lại chặng đường đã qua với sự trân trọng, mà còn là thời khắc để cùng nhau hướng tới tương lai. Phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm để thị trường chứng khoán thực sự phát huy hết vai trò của mình, không chỉ là kênh dẫn vốn hiệu quả, mà còn là nền tảng chiến lược để tạo sức bật cho nền kinh tế.
“S ức mạnh nội lực sẽ là thước đo mức độ tự cường của một quốc gia. Một thị trường vốn phát triển bền vững, hiệu quả và minh bạch sẽ là công cụ để Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Tôi tin rằng, với nền tảng 25 năm qua – từ định hướng đúng đắn của Chính phủ và Bộ Tài chính, đến nỗ lực không ngừng của Ủy ban Chứng khoán, VNX và HOSE – chúng ta có đủ niềm tin, năng lực và khát vọng để tiếp tục kiến tạo tương lai ” , ông Don Lam khẳng định.
Hà Linh