Dòng tiền khối ngoại đang trở lại mạnh mẽ trong bối cảnh kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sắp được nâng hạng. Các chuyên gia đánh giá đợt giải ngân này có thể là bước chạy đà cho làn sóng vốn ngoại mới.
Khối ngoại tích cực mua gom trước kỳ vọng nâng hạng thị trường
Sau giai đoạn 15 tháng liên tiếp rút vốn khỏi thị trường, dòng tiền nước ngoài bất ngờ quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong nửa đầu tháng 7, các nhà đầu tư đã mua ròng 11.709 tỷ đồng và xu hướng mua ròng này vẫn đang tiếp diễn.
Kỳ vọng nâng hạng thị trường cùng dòng tiền xuất hiện là những nguyên nhân được chuyên gia lý giải cho đà mua ròng của khối ngoại.
Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi (Watch list) để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi sơ cấp (Secondary Emerging market) trong báo cáo phân loại thị trường các quốc gia tháng 3/2025. FTSE Russell – tổ chức xếp hạng và cung cấp chỉ số toàn cầu, sẽ cập nhật trạng thái của thị trường Việt Nam vào kỳ đánh giá tháng 9/2025. Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam có thể được đưa lên "thị trường mới nổi" trong tháng 9 năm nay.
Công ty Chứng khoán VPBankS ước tính dòng vốn chảy vào thị trường Việt Nam khoảng 3-7 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực. Nhà đầu tư nước ngoài giải ngân trong thời gian ngắn sẽ tạo ra cú hích rất lớn cho thị trường.
Tổng kết từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu nhóm tài chính, chứng khoán, cổ phiếu nhóm bất động sản là tâm điểm của dòng tiền khối ngoại, như DXG, CEO…
Ngoài ra nhóm cổ phiếu VIC, VRE, VHM, cũng hút mạnh dòng tiền khối ngoại.
Tiếp đến, trong tuần từ 14 đến 18/7, nhóm cổ phiếu bất động sản hút dòng tiền lớn, bao gồm cả dòng tiền khối ngoại, nên tăng bứt phá.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu đầu tư công bất ngờ trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền, đưa nhiều mã bật tăng mạnh trong tuần qua. Phiên giao dịch 16/7, các mã cổ phiếu hưởng lợi đầu tư công như FCN tím trần, C4G (+4,8%), HHV (+3,9%), LCG (+3%), VCG (+2%), CTD (+1,7%)… Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng cũng ghi nhận diễn biến tích cực, với KSB (+5,2%), HPG (+2,4%), BCC (+2,5%), BTS (+2%)…
Đà tăng này được hỗ trợ bởi thông tin tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương ngày 16/7 thảo luận về kịch bản tăng trưởng năm 2025 cùng loạt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh quyết tâm thúc đẩy giải ngân đầu tư công 100% – tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng trong năm 2025.
Điển hình như FCN, phiên giao dịch 16/7 ghi nhận khối lượng mua ròng hơn 640.000 đơn vị từ khối ngoại. Tiếp đó, khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 880.000 đơn vị trong phiên 18/7.
Tìm dư địa từ nhóm cổ phiếu hạ tầng, bất động sản
Trong nửa sau 2025, theo Công ty Chứng khoán MBS, dòng tiền sẽ lan tỏa sang các cổ phiếu vốn hóa lớn chưa tăng giá mạnh trong thời gian qua nhờ định giá hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận. Trong kịch bản cơ sở, với mức tăng trưởng 17% lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết, và định giá 13.5 – 13.8 lần P/E, nhiều công ty chứng khoán kỳ vọng VN-Index sẽ sớm vượt 1.500 – 1.540 điểm trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới với Việt Nam theo hướng tích cực hơn so với các nước trong khu vực, kết hợp triển vọng nâng hạng thị trường ngày càng rõ ràng, dòng tiền nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại mạnh mẽ trong thời gian tới. Sự dịch chuyển này nhiều khả năng tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là những mã vẫn còn dư room cho nhà đầu tư ngoại.
Với các chủ điểm đầu tư nổi bật cho 6 tháng cuối năm, MBS xác định xu hướng đầu tư có tiềm năng tạo lợi nhuận gồm các nhóm cổ phiếu như bất động sản, đầu tư công, chứng khoán…
Đối với nhóm hưởng lợi đầu tư công, những doanh nghiệp như VCG, HHV, CII, FCN, HPG… sẽ hưởng lợi lớn từ làn sóng này.
Ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Fecon (mã FCN – sàn HoSE) cho biết, năm 2025, Fecon đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 48%, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, tăng trưởng 565% và chi trả cổ tức tỷ lệ 5%.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Fecon sẽ tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm, mở rộng đầu tư vào lĩnh vực công trình ngầm và công nghiệp, đồng thời tối ưu hóa công tác quản trị và nâng cao hiệu suất đội ngũ.
Đầu tháng 7, Fecon cùng các đơn vị thành viên trong hệ sinh thái đã liên tiếp trúng thầu nhiều dự án lớn trong quý II/2025, với tổng giá trị hợp đồng vượt 1.310 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị các gói thầu mà Fecon ký kết trên 3.500 tỷ đồng, trải rộng trên khắp cả nước.
Nổi bật trong số các gói thầu mới là hạng mục “Thi công kè ứng phó biến đổi khí hậu – đoạn 4, 5, 6” thuộc Dự án Khu đô thị mới Thuận Phước Đà Nẵng, có giá trị hơn 500 tỷ đồng. Đây là công trình hạ tầng ven biển quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật thi công phức tạp trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Song song với các gói thầu do Fecon trực tiếp triển khai, các công ty thành viên của Fecon cũng ghi dấu ấn bằng các gói thầu nền móng & kết cấu hạ tầng với các chủ đầu tư lớn như Vingroup tại Cần Giờ, TP.HCM; BRG tại TP. Đà Nẵng, Hoà Phát tại Quảng Ngãi… với tổng giá trị hợp đồng gần 200 tỷ đồng.