Thị trường trái phiếu tại Việt Nam đã trải qua một giai đoạn khó khăn vào giai đoạn 2022-2023 khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả nợ. Sau đó, nhiều biện pháp quản lý, siết chặt được thiết lập tình hình chung của thị trường mới có phần ổn định hơn. Vậy sang tới năm 2025, có nên tham gia vào thị trường trái phiếu không?
Thị trường trái phiếu là gì?
Thị trường trái phiếu là nơi người mua, người bán và trung gian môi giới trái phiếu gặp gỡ, trao đổi và giao dịch trái phiếu với nhau. Người mua hay tổ chức phát hành có thể là Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Người bán hay trái chủ có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Đầu tư trái phiếu được nhiều người lựa chọn bởi tính an toàn, ổn định với mức lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong thời kỳ kinh tế suy thoái, lạm phát tăng như hiện nay. Thị trường này được coi là kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Tại Việt Nam, thị trường trái phiếu được hình thành từ những năm 1990, bắt đầu phát triển từ năm 2000. Từ đó đến nay, thị trường ngày càng lớn mạnh, trở thành nguồn cung cấp vốn quan trong trong nền kinh tế.
Khung pháp lý bao gồm Luật, Nghị định và Thông tư về hoạt động phát hành, giao dịch trái phiếu được hoàn thiện và sửa đổi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người mua và người bán tham gia thị trường.
Phân loại thị trường trái phiếu
Dựa vào tổ chức phát hành, thị trường trái phiếu được phân chia thành 5 loại với đặc điểm và chức năng khác nhau. Nhà đầu tư căn cứ vào nhu cầu và mục tiêu của mình để lựa chọn loại trái phiếu phù hợp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp phục vụ cho việc duy trì và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, nguồn vốn này còn được sử dụng để tăng quy mô vốn và tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp.
Thị trường này được chia thành 2 loại: Thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Cụ thể như sau:
- Thị trường sơ cấp: Là nơi giao dịch các loại trái phiếu mới phát hành, tạo vốn cho nhà phát hành, tập trung vốn của thị trường để nâng cao hiệu quả nền kinh tế.
- Thị trường thứ cấp: Là nơi giao dịch các trái phiếu đã được phát hành tại thị trường sơ cấp, không tạo vốn cho người phát hành. Tại thị trường này, các nhà đầu tư có thể trao đổi, chuyển nhượng trái phiếu với nhau.
Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo 2 hình thức, phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Phương thức phát hành gồm đấu thầu, bảo lãnh và bán lẻ (trường hợp người phát hành là tổ chức tín dụng).
Thị trường trái phiếu Chính phủ
Đây là thị trường quan trọng trong thị trường trái phiếu, thực hiện vai trò cung cấp vốn cho Ngân sách Nhà nước và là thị trường chuẩn cho thị trường tài chính. Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ còn là công cụ giúp ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát.
Kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ được Kho bạc Nhà nước thông báo hàng năm. Khối lượng phát hành dự kiến, kỳ hạn, lãi suất… sẽ được công bố vào đầu quý. Bộ Tài chính làm nhiệm vụ đại diện phát hành trái phiếu Chính phủ.
Phương thức phát hành được sử dụng gồm đấu thầu, bảo lãnh và bán lẻ. Trong đó, chủ yếu phát hành bằng phương thức đấu thầu. Trái phiếu Chính phủ được đăng ký, lưu ký và niêm yết tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Thị trường trái phiếu Chính phủ bảo lãnh
Thị trường này là kênh huy động vốn của doanh nghiệp, ngân hàng chính sách và các tổ chức tài chính, tín dụng thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh theo Luật quản lý nợ công. Nguồn vốn huy động được sẽ sử dụng cho các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước.
Hiện tại, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách Xã hội là 2 đơn vị chủ yếu thực hiện phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh. Phương thức bảo lãnh bao gồm đấu thầu, bảo lãnh, đại lý và bán lẻ.
Ngân hàng Chính sách thực hiện phát hành theo phương thức đấu thầu tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội là chủ yếu. Sau khi phát hành, trái phiếu được lưu ký, niêm yết và giao dịch tại Sở giao dịch Chứng khoán.
Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương
Thị trường trái phiếu chính quyền địa phương là kênh huy động vốn quan trọng của Ngân sách các chính quyền địa phương. Mục đích phát hành nhằm đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi Ngân sách Nhà nước cấp địa phương.
Trước khi phát hành, trái phiếu được đăng ký và niêm yết tại sở giao dịch. Sau đó, trái phiếu được phát hành theo phương thức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành. Trong đó, đấu thầu và bảo lãnh là chủ yếu.
Thị trường trái phiếu quốc tế
Đây là thị trường diễn ra các giao dịch mua bán trái phiếu vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trái phiếu được giao dịch chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu Chính phủ. Đối tượng mua thường là các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương, cũng có thể là các cá nhân.
Thị trường trái phiếu quốc tế được coi là kênh huy động vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đồng thời, góp phần hình thành và phát triển hệ thống thị trường tài chính quốc tế.
Tổng quan thị trường trái phiếu Việt Nam năm 2023-2024
Thị trường trái phiếu năm 2023
Năm 2023, thị trường trái phiếu Việt Nam chứng kiến nhiều biến động do tác động từ kinh tế vĩ mô và sự điều chỉnh trong khung pháp lý. Tuy nhiên, nhờ những chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý, thị trường dần tìm được sự cân bằng.
Thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP)
Phát hành sơ cấp:
- Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành 298,476 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2022 và đạt 97.9% kế hoạch điều chỉnh.
- Phát hành các kỳ hạn 10 và 15 năm chiếm tỷ trọng lớn (44% tổng giá trị). Kỳ hạn phát hành bình quân đạt 12.6 năm, giảm nhẹ so với 2022.
- Lãi suất phát hành trung bình giảm nhẹ, dao động từ 3.2% đến 3.37% với các kỳ hạn chủ đạo.
Thị trường thứ cấp:
- Tổng giá trị giao dịch đạt 1,622 nghìn tỷ đồng, giảm 2.1% so với năm 2022.
- Giao dịch outright tăng 13.3%, đạt hơn 1,183 nghìn tỷ đồng, trong khi repo giảm 28% xuống 439 nghìn tỷ đồng.
- Lợi suất TPCP giảm mạnh từ 220-320 điểm cơ bản so với cuối năm 2022, nhờ chính sách giảm lãi suất điều hành.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)
Tại thị trường sơ cấp:
- Tổng giá trị phát hành TPDN giảm mạnh, đạt 90% mức đỉnh năm 2021. Phần lớn diễn ra trong nửa cuối năm nhờ hiệu lực của Nghị định 08/2023.
- Cơ cấu phát hành theo ngành: Ngân hàng và bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế. Tuy nhiên, tỷ lệ chậm trả nợ gốc/lãi gia tăng đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Thị trường trái phiếu Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL)
Phát hành sơ cấp
- Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành 24,351 tỷ đồng, tăng 36% so với 2022.
- Kỳ hạn phát hành chủ yếu là 5, 10, và 15 năm, với lãi suất giảm mạnh từ 4.1% (2022) xuống 2.9% (2023).
Thị trường thứ cấp: Giá trị giao dịch outright giảm 30% và repo giảm hơn 60%.
Năm 2023, thị trường trái phiếu Việt Nam trải qua nhiều thách thức nhưng dần ổn định nhờ các chính sách hỗ trợ và cải cách pháp lý. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, việc nâng cao tính minh bạch và ổn định pháp lý sẽ là chìa khóa cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Thị trường trái phiếu năm 2024
Sang tới năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cũng ghi nhận sự phục hồi tích cực. Tổng giá trị phát hành 9 tháng đầu năm đạt 330,4 nghìn tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ 2023. Nhóm ngân hàng dẫn đầu với 245,4 nghìn tỷ đồng, tăng 188%, trong khi nhóm bất động sản giảm 22%. Áp lực đáo hạn trái phiếu giảm dần, với 34,2 nghìn tỷ đồng đáo hạn quý IV, thấp hơn so với quý II. Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tăng mạnh, giúp cải thiện niềm tin thị trường.
Trên thị trường Trái phiếu Chính phủ, tính đến cuối tháng 10/2024, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã phát hành thành công 302.246 tỷ đồng TPCP, đạt 76% kế hoạch năm và 26% kế hoạch quý IV.
Do áp lực đáo hạn tăng mạnh trong giai đoạn 2025-2030, lợi suất phát hành TPCP vẫn chỉ được duy trì ở mức thấp, đặc biệt đối với các kỳ hạn dài (chỉ 2.66%/năm với kỳ hạn 10 tháng và 2.86%/năm với kỳ hạn 18 tháng). Điều này cho thấy sự ổn định của thị trường trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và nhu cầu đầu tư an toàn gia tăng.
Triển vọng của thị trường trái phiếu năm 2025
Nhìn về năm 2025, thị trường trái phiếu Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện, nhờ vào các yếu tố hỗ trợ tích cực và những cải cách đang dần phát huy hiệu quả.
Môi trường kinh tế ổn định hơn
- Hạ nhiệt lãi suất: Khi lạm phát được kiểm soát và tăng trưởng kinh tế ổn định, lãi suất có khả năng giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành và đầu tư trái phiếu.
- Phục hồi niềm tin nhà đầu tư: Những biện pháp củng cố niềm tin từ Chính phủ, đặc biệt trong việc nâng cao tính minh bạch, sẽ giúp thu hút thêm vốn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đa dạng hóa các sản phẩm trái phiếu
- Phát triển trái phiếu xanh: Nhu cầu tài trợ các dự án thân thiện với môi trường đang gia tăng, mở ra cơ hội phát triển trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững.
- Mở rộng thị trường trái phiếu quốc tế: Doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các thị trường nước ngoài để huy động vốn, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Sự phát triển của công nghệ tài chính (Fintech)
Các nền tảng giao dịch trái phiếu trực tuyến sẽ tiếp tục phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận và tham gia thị trường một cách dễ dàng hơn.
Hỗ trợ từ khung pháp lý mới
- Nghị định 65/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn liên quan sẽ tiếp tục được cải tiến để đơn giản hóa thủ tục phát hành trái phiếu, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
- Xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: Đây sẽ là công cụ quan trọng giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro của các doanh nghiệp phát hành, từ đó tạo ra sự chuyên nghiệp và bền vững cho thị trường.
Thu hút dòng vốn ngoại
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định và tiềm năng phát triển dài hạn. Việc cải thiện quy trình pháp lý và nâng cao tính minh bạch sẽ giúp thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trái phiếu.
Có nên tham gia thị trường trái phiếu không?
Nhiều biến động liên quan đến các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã khiến lòng tin của nhà đầu tư giảm sút. Nhiều người phân vân không biết có nên tiếp tục đầu tư vào thị trường trái phiếu hay không?
Qua phân tích về triển vọng thị trường trái phiếu, có thể thấy tình trạng ảm đạm sẽ không kéo dài, thị trường trái phiếu sẽ dần khởi sắc từ năm 2025. Nhiều quy định pháp luật về phát hành và sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu đã được thay đổi và bổ sung. Nhà đầu tư có thể an tâm tham gia thị trường này.
Tuy nhiên, để đảm bảo đầu tư hiệu quả và an toàn, bạn cần trang bị các kiến thức về trái phiếu, phân tích thị trường, lập kế hoạch đầu tư, các biện pháp phân tán và hạn chế rủi ro… Khi đó, trái phiếu sẽ là kênh đầu tư an toàn, mang đến cho bạn nguồn thu nhập ổn định về lâu dài.
Trên đây là những thông tin cơ bản về thị trường trái phiếu mà nhà đầu tư cần nắm rõ trước khi quyết định tham gia thị trường này. VNSC hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn đưa ra quyết định đầu tư phù hợp, hạn chế rủi ro và mang về hiệu quả cao khi đầu tư tài chính.