Dự báo về xu hướng thị trường sau nghỉ lễ, chuyên gia BSC kỳ vọng VN-Index có thể hồi phục lên mức 1.280 điểm sau khi đã có gần 3 tuần tích lũy tạo nền từ 1.200 – 1.240 điểm
Thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch giằng co trước kỳ nghỉ lễ trong vùng 1.200 – 1.240 điểm cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. VN-Index đóng cửa phiên cuối tháng 4/2025 tại mốc 1.226 điểm. Tính chung cả tháng, VN-Index giảm 80,56 điểm (-6,16%) so với tháng trước sau khi trải qua "cú sốc" thuế quan. Giá trị giao dịch trung bình phiên trong tháng 4 tăng mạnh 20%, đạt 21.800 tỷ đồng.
Sau kỳ nghỉ lễ, các chuyên gia đều kỳ vọng việc hệ thống KRX đi vào hoạt động từ ngày 5/5 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và đưa dòng tiền trở về thị trường chứng khoán. Song, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao tình hình vĩ mô thế giới, đặc biệt là tác động đến từ các chính sách thương mại tại Mỹ.
Nhiều yếu tố dẫn dắt thị trường cân bằng trở lại
Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán BIDV (BSC)
Dự báo về xu hướng thị trường sau kỳ nghỉ lễ, vị chuyên gia kỳ vọng VN-Index có thể hồi phục lên mức 1.280 điểm sau khi đã có gần 3 tuần tích lũy tạo nền từ 1.200 – 1.240 điểm. Hệ thống giao dịch KRX đi vào hoạt động vào 5/5 sau thời gian dài trì hoãn cũng mang lại những kỳ vọng mới trên thị trường.
Cùng với việc vận hành KRX, chuyên gia BSC chỉ ra một số yếu tố dẫn dắt thị trường trở lại cân bằng sau đợt sụt giảm mạnh đầu tháng 4.
Thứ nhất, Mỹ công bố việc hoãn thuế 90 ngày vào 10/4 mở ra cơ hội đàm phán. Trong tháng 5, Mỹ dự kiến sẽ có thoả thuận với khoảng 17 đối tác thương mại và nhiều khả năng các nước sẽ không phải chịu mức thuế như đề xuất ban đầu tại ngày 2/4/2025. Việt Nam là nước chủ động đề xuất các gói đàm phán mang lại kỳ vọng sớm được được thoả thuận tích cực hơn qua đó cải thiện dần tâm lý thị trường.
Thứ hai, Việt Nam theo đuổi chính sách tăng trưởng cao thông qua các chính sách hỗ trợ kinh tế trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa, giảm thuế VAT, giảm thuế thuê đất, thúc đẩy đầu tư công.
Thứ ba, Trung Quốc – Mỹ vẫn là tâm điểm trong chính sách thuế quan mới. Dù vậy, vị thế Trung Quốc đã khác so với chiến tranh thương mại 1.0 do xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 1/2 xuống còn 2% GDP. Trung Quốc cũng có cách tiếp cận chủ động và tuyên bố không phá giá tỷ giá và bán phá giá tại các thị trường khác. Những điều này làm giảm lo ngại đáng kể đối với tỷ giá Việt Nam cũng như cạnh tranh thương mại giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp Trung.
Dù vậy, ông Long cũng lưu ý một vài thông tin cần tiếp tục theo dõi. Điển hình, giai đoạn quý 2 thường là giai đoạn nhu cầu các ngoại tệ như USD, Euro tăng lên, gây ra áp lực tỷ giá.
Thứ hai, mùa ĐHCĐ và công bố KQKD quý 1/2025 đang vào giai đoạn cuối. Thị trường sẽ bước vào giai đoạn vùng trống thông tin và sẽ phụ thuộc nhiều vào thông tin quốc tế.
Sau lễ, vị chuyên gia BSC kỳ vọng việc hệ thống KRX đi vào hoạt động từ ngày 5/5 sẽ cải thiện tâm lý nhà đầu tư và đưa dòng tiền trở về thị trường chứng khoán. Song, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao tình hình vĩ mô thế giới, đặc biệt là tác động đến từ các chính sách thương mại tại Mỹ. Đây là yếu tố còn bất định và có thể lại tạo ra một cú sốc cho thị trường bất cứ lúc nào.
Tính đến cuối tháng 4/2025, hơn 800 doanh nghiệp niêm yết đã công bố KQKD quý 1 với lợi nhuận sau thuế tăng 13,1% so với cùng kỳ (theo FiinproX). Hiệu suất ngành trong tháng 4 tăng nhẹ, phản ánh tâm lý thận trọng và sự chọn lọc dòng tiền.
"Các ngành như Bán lẻ, BĐS, tài nguyên cơ bản, tiện ích, ngân hàng đang có mức tăng trưởng khá tốt so cùng kỳ trong quý 1 và có lợi thế duy trì đà tăng trưởng trong quý 2", ông Trần Thăng Long nêu quan điểm.
Cụ thể:
Với ngành điện, năng lượng: Sản lượng tiêu thụ điện tăng trong mùa nóng cùng với việc hoàn thiện khung giá bán điện mới là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận. Các doanh nghiệp điện nhiều khả năng tiếp tục duy trì kết quả tích cực trong quý 2.
Tại nhóm ngân hàng: Đà tăng trưởng tín dụng từ đầu năm giúp bức tranh lợi nhuận ngành khả quan: Lợi nhuận sau thuế tăng gần 15% trong quý 1, với đóng góp chính từ MBB, VPB, STB, SSB và một số ngân hàng quy mô nhỏ như NVB, ABB. Ngoài ra, định giá của ngành vẫn hấp dẫn so với mặt bằng chung, có thể thu hút dòng tiền trở lại.
Ở nhóm bất động sản, chuyên gia kỳ vọng tiếp tục duy trì tiến độ bàn giao và lợi nhuận tăng mạnh từ nền thấp. Trong quý 1, lợi nhuận nhóm này được cải thiện nhờ tiến độ bàn giao sản phẩm tốt hơn, sang quý 2 được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng từ mức nền thấp năm trước.
Tại nhóm tiêu dùng bán lẻ, tính chung quý 1/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tiêu dùng nội địa đang có tín hiệu hồi phục tích cực. Theo đà phục hồi, các doanh nghiệp bán lẻ/tiêu dùng có thể sẽ ghi nhận tăng trưởng khả quan trong quý 2/2025.
Dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ kỳ vọng được cải thiện
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco
Sau kỳ nghỉ lễ 30/4–1/5, chuyên gia dự báo VN-Index có khả năng tiếp tục diễn biến giằng co với xu hướng tích lũy trong biên độ 1.200–1.250 điểm, trong bối cảnh thị trường đang tìm kiếm động lực mới để bứt phá sau giai đoạn hồi phục kỹ thuật cuối tháng 4. Thanh khoản kỳ vọng có sự cải thiện so với trước lễ tuy nhiên khó có sự bứt phá khi tâm lý nhà đầu tư vẫn còn thận trọng, nhất là khi chính sách thuế quan của Mỹ còn nhiều bất định.
Các yếu tố sẽ ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư giai đoạn tới bao gồm: (1) Chính sách thuế quan và thương mại của Mỹ, trong đó yếu tố bất định do thay đổi quan điểm gây trì hoãn đàm phán vẫn có thể xảy ra, (2) Diễn biến kết quả kinh doanh quý 1/2025 và định hướng của doanh nghiệp trong kỳ ĐHĐCĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng tiền vào các nhóm ngành trên thị trường.
Do đó, sự thận trọng của thị trường giai đoạn trước lễ chủ yếu đến từ tâm lý e ngại rủi ro trước kỳ nghỉ dài, kết hợp với biến số khó lường từ các vấn đề thuế quan.
Theo quan điểm của ông Khoa, dòng tiền sau kỳ nghỉ lễ được dự báo sẽ có sự cải thiện về mặt tâm lý so với trước lễ, chủ yếu nhờ thông tin tích cực từ việc khởi động đàm phán thương mại. Tuy nhiên, mức độ cải thiện này có thể chỉ ở mức vừa phải và dòng tiền nhìn chung vẫn mang xu hướng thận trọng.
Liên quan tới hệ thống mới KRX, trong ngắn hạn, ông Khoa cho rằng nhà đầu tư sẽ mất thời gian để làm quen lại với một số cơ chế mới của hệ thống KRX bởi sự thay đổi nằm ở thói quen sử dụng hệ thống và quy mô ở mức toàn thị trường. Tuy nhiên, các sự thay đổi này trong dài hạn sẽ là hỗ trợ đắc lực phục vụ cho nhu cầu của nhà đầu tư. Ví dụ như lệnh thị trường MTL thay cho lệnh MP, hay thay đổi về giao dịch các cổ phiếu bị hạn chế,… đều giúp thị trường sôi động và tăng sự tiện lợi hơn cho nhà đầu tư.
Sau khi mùa báo cáo quý 1/2025, các nhóm ngành hiện đang thể hiện sự phân hóa rõ nét trong hoạt động kinh doanh. Các ngành có lợi nhuận tăng trưởng tốt phải kể tới: Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ, Công nghệ. Ở chiều ngược lại, các ngành có lợi nhuận suy giảm bao gồm Chứng khoán, Dầu khí, Thực phẩm và Đồ uống.
Đồng thời, các ngành như Xuất khẩu, Cảng biển có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong ngắn hạn do tình trạng dồn đơn hàng xuất khẩu trước thời điểm áp mức thuế cao hơn. Nhưng các ngành này sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các quý tiếp theo khi chính sách thuế đối ứng chính thức có hiệu lực.
Trong các quý tiếp theo, nhà đầu tư đang hướng đến các nhóm ngành còn duy trì tăng trưởng. Chuyên gia Agriseco cho rằng các nhóm ngành không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và xu hướng bảo hộ như ngành Ngân hàng, bất động sản, Xây dựng, Bán lẻ, Công nghệ sẽ được đẩy mạnh để thay thế động lực tăng trưởng cũ. Do đó các nhóm ngành này có thể duy trì tăng trưởng trong quý 2 và các quý tiếp theo.
2 kịch bản cho VN-Index trong tháng 5
Chứng khoán Nhất Việt (VFS)
Đội ngũ phân tích VFS nhận định thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng giao dịch biến động mạnh, đồng pha với các chỉ số thế giới như chỉ số Dow Jones và S&P500, xoay quanh những sự kiện kinh tế toàn cầu.
Việc Mỹ thông báo áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam đã đẩy mạnh hoạt động bán tháo hoảng loạn, khiến thị trường liên tục ghi nhận những phiên giảm điểm với thanh khoản lớn và lùi sâu về vùng 1.070 điểm. Tuy nhiên, những thông tin tích cực như căng thẳng Mỹ – Trung có dấu hiệu hạ nhiệt và Việt Nam khởi động đàm phán thuế quan với Mỹ cùng với hệ thống KRX chính thức đi vào vận hành đã khiến tâm lý nhà đầu tư có phần lạc quan hơn. Từ đó, giúp chỉ số xuất hiện nhịp hồi phục trở lại và tích lũy quanh vùng 1.200 – 1.240 điểm.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trong tháng 4 đạt 21,8 nghìn tỷ đồng (+20,4 %) so với tháng trước. Thanh khoản tăng cao trong những phiên thị trường biến động mạnh cho thấy dù bên bán chiếm ưu thế nhưng lượng cung vẫn được hấp thụ khi dòng tiền tìm kiếm cơ hội giải ngân ở vùng giá thấp.
Nhóm phân tích VFS cho biết, vùng kháng cự gần nhất của VN-Index là 1.240 – 1.250 điểm. Nếu chinh phục thành công, nhịp hồi phục sẽ được củng cố và hướng lên vùng điểm số cao hơn là 1.270 điểm. Mặc dù thị trường vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm với thông tin nhưng tháng giảm điểm mạnh vừa qua cho thấy những rủi ro thuế quan đang được phản ánh vào giá.
Trong tháng 5, thị trường nhiều khả năng duy trì diễn biến tích cực. Tuy nhiên dòng tiền sẽ phân hóa theo thông tin công bố về kết quả kinh doanh quý 1 và mùa họp đại hội đồng cổ đông. VFS đưa ra 2 kịch bản thị trường:
Kịch bản 1 (60%): VN-Index chinh phục thành công vùng 1.240-1.250 điểm và hướng lên vùng 1.270 điểm. Nhà đầu tư chờ tín hiệu xác nhận tiếp diễn xu hướng để giải ngân ở những cổ phiếu không bị giảm mạnh và hồi phục nhanh thuộc các nhóm chứng khoán, bán lẻ, ngân hàng, đầu tư công.
Kịch bản 2 (40%): Thị trường tiếp tục đi ngang quanh vùng 1.200 – 1.240 điểm. Nhà đầu tư giữ tỷ trọng hợp lý, tạm thời chưa giải ngân mua mới và quan sát diễn biến thị trường.
Ngọc Ly